Vướng nhiều rào cản

Date: - View: 1265 - By:
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phát triển doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM chưa xứng tầm. Không chỉ khó khăn trong việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN, vấn đề về thủ tục hành chính đang là rào cản lớn đối với quá trình phát triển DN.  

Ngại chuyển đổi mô hình kinh doanh

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM thông tin, thời gian qua, thành phần kinh tế tư nhân từ chỗ chiếm tỷ trọng 41,6% năm 2009, đến năm 2015 đã chiếm tỷ trọng 50,1% trong cơ cấu GDP của thành phố. Dự báo, số DN thành lập mới sẽ tiếp tục tăng.

vuong nhieu rao can
Nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi thành DN

Mong muốn cộng đồng DN lớn mạnh, TP HCM đưa ra chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 500.000 DN, bằng 1/2 tổng số DN của cả nước. Bởi vì nhìn vào dư địa phát triển cho thấy, có nhiều nguồn để phát triển DN như: DN đang hoạt động, cá nhân khởi nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, sự chuyển dịch từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, hộ kinh doanh cá thể được xem như tiềm năng lớn cho chủ trương xây dựng cộng đồng DN phát triển mạnh.

Tuy nhiên, có khá nhiều ý kiến e ngại kế hoạch đó khó hoàn thành. Ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa TP HCM - cho biết, 5 tháng đầu năm 2017, cả thành phố chuyển đổi được 400 hộ kinh doanh cá thể lên DN, chỉ đạt hơn 3% kế hoạch. Các quận, huyện cũng nỗ lực tuyên truyền, vận động song hiệu quả không cao. 7 tháng năm 2017, quận 11 vận động được 45 hộ kinh doanh chuyển lên thành DN, chiếm 11% tổng số 409 DN thành lập mới. Quận 4 có 611 DN thành lập mới, nâng tổng số DN toàn quận lên 3.240 DN, trong đó chỉ vận động được 11 hộ kinh doanh cá thể chuyển sang DN, đạt 3,32% so với chỉ tiêu thành phố giao (331 DN)...

Thực tế, nhu cầu chuyển đổi lên DN của các hộ kinh doanh cá thể chưa nhiều và có tâm lý e ngại, lý do: Phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, lao động thường xuyên biến động. Vấn đề mấu chốt là hộ kinh doanh ngại chuyển lên DN vì sợ phát sinh thêm chi phí thuê kế toán, đầu tư trang thiết bị, máy móc, phương tiện… làm giảm lợi nhuận.

Rào cản từ thủ tục hành chính

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự phát triển DN trên địa bàn TP HCM chưa xứng tầm. Không chỉ khó khăn về việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên DN, vấn đề về thủ tục hành chính cũng đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của DN. Điều này tạo sự quan ngại về việc đạt mục tiêu phát triển 500.000 DN vào năm 2020.

vuong nhieu rao can
DN làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM

“Thành phố ban hành khá nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng khả năng tiếp cận chính sách vẫn là câu hỏi lớn. Khó khăn về chính sách, vốn… là lý do mà DN ngại phát triển quy mô, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thủ tục hành chính rườm rà đang là rào cản lớn nhất khiến hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển đổi lên DN nhỏ, còn DN nhỏ và vừa ngại phát triển lên thành DN lớn”- TS Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền chia sẻ.

Mong muốn cộng đồng DN lớn mạnh, TP HCM đưa ra chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 500.000 DN, bằng 1/2 tổng số DN của cả nước.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Trình - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM - cho rằng, mặc dù thành phố là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) có điểm ngày càng thấp so với các tỉnh, thành phố khác. Tình trạng làm khó DN, phí bôi trơn, chi phí không chính thức trở thành gánh nặng đối với DN.

Ông Nguyễn Đình Tuệ nhận xét: Có quá nhiều thủ tục hành chính cản trở DN. Cách làm hiện nay là rà soát để giảm thủ tục hành chính nhưng chỉ giảm được số lượng không đáng kể rồi lại tăng trở lại. Chưa hết, cơ chế một cửa nhưng vẫn giữ nguyên các công đoạn trong quy trình thủ tục hành chính cũ thì chi phí không chính thức và chi phí thời gian không thay đổi nhiều.

Trước hàng loạt khó khăn hiện nay mà DN đang phải đối mặt, không ít ý kiến băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu đến năm 2020 phát triển 500.000 DN của TP HCM. Vấn đề đặt ra hiện nay là thành phố phải nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, hướng đến xóa bỏ phần lớn các loại “giấy phép con”, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết nhằm nâng vai trò tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của DN; xã hội hóa các hoạt động trợ giúp DN để làm thay thủ tục.

“TP HCM có rất nhiều việc cần phải làm để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cần đẩy mạnh rà soát các thủ tục hành chính để hợp lý hóa, đồng bộ các quy trình giải quyết thủ tục từ cấp thành phố đến quận, huyện, phường, xã trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Đơn cử, xây dựng Cơ quan Hải quan điện tử hiện đại, hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý rủi ro với thủ tục đơn giản, minh bạch, hiện đại đạt chuẩn quốc tế, tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa” - TS Nguyễn Văn Trình kiến nghị.

Theo số liệu thống kê, số DN thành lập mới của TP HCM năm 2014 là 25.000 DN, năm 2015: 31.000 DN, năm 2016: 36.000 DN. Đến cuối năm 2016, thành phố có tổng cộng gần 300.000 DN. Trong năm 2017 dự kiến sẽ có khoảng 43.500 DN thành lập mới.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TP HCM: Để thực hiện mục tiêu 500.000 DN, UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết định hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, ngoài chính sách hỗ trợ của thành phố, DN cần chủ động sáng tạo, đổi mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thanh Hồ/ Petro Times

LIÊN KẾT
FANPAGE