Vận dụng cơ chế đặc thù - Bài 1: Cơ hội đột phá cho TP. Hồ Chí Minh

Date: - View: 1243 - By:

BNEWS.VN Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

 

Để thực hiện cơ chế đặc thù, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã thông qua nhiều nghị quyết như: huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng; huy động nguồn lực để nâng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố nhằm tạo ra chất lượng hoạt động công vụ, thu hút nguồn nhân tài…

Đây là cơ hội lớn để Tp. Hồ Chí Minh tiến về phía trước với tốc độ phát triển nhanh, bền vững.

Cơ sở hạ tầng cảng biển góp phần cho việc phát triển dịch vụ Logistics của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN

Bài 1: Cơ hội đột phá

Cuối năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội). Là một đô thị đặc biệt, trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước Tp. Hồ Chí Minh rất cần cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển. Thông qua cơ chế đặc thù này, thành phố sẽ rất thuận lợi huy động vốn, đầu tư, sử dụng nhân lực, trả lương và nhiều cơ chế khác.

*Cơ hội cho phát triển kinh tế

Được Trung ương trao cho cơ chế đặc thù với 4 nhóm nội dung lớn: quản lý đất đai; đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý…Điều này sẽ giúp thành phố chủ động trong các quyết sách đầu tư, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh, tạo môi trường kinh doanh năng động, tăng chất lượng cuộc sống… 

Cụ thể là việc Tp.Hồ Chí Minh được cho phép tự khai thác các nguồn lực; trong đó, có nguồn lực về đất đai; về việc tái cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn và dành lại 50% để đầu tư trực tiếp cho thành phố. Thành phố cũng được quyền tự quyết phần lớn các dự án nhóm A bằng ngân sách của thành phố, ngoại trừ các dự án quy định riêng trong Luật Đầu tư công. 

Các chuyên gia cho rằng, với các cơ chế này sẽ tạo điều kiện rất tốt để Tp. Hồ Chí Minh chủ động tạo ra nguồn lực phát triển bằng nội lực của mình mà không phải trải qua các quy trình mất thời gian không cần thiết, cũng như trông chờ vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Từ đó, thành phố có thể quyết định nên đầu tư vào đâu, lĩnh vực nào, lựa chọn tốt hơn lộ trình tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước và tài sản công do thành phố đang quản lý khai thác tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. 

Tp. Hồ Chí Minh cũng được trao cơ chế có thể tự quyết mức lương tăng thêm cao hơn quy định của Nhà nước gấp 1,8 lần sau khi đã sử dụng hợp lý quỹ cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội…Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua “Đề án Cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức”.

Từ ngày 1/4/2018, tất cả các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn thành phố bắt đầu thực hiện các bước đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách trên địa bàn. Từ đó, những cán bộ có hiệu quả công việc tốt dựa trên đánh giá hàng quý, hàng năm được tăng thu nhập gấp 0,6 lần. Từ năm 2019 - 2020 tăng dần lên tối đa 1,8 lần. 

Trong lĩnh vực thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, nhiều kinh nghiệm đào tạo, tư vấn, vận hành… sẽ được tuyển dụng làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Khi được tuyển chọn, nhân sự được trợ cấp ban đầu tối đa 100 triệu đồng, hưởng lương chuyên gia cao cấp, cùng các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nhà ở công vụ, kinh phí thuê nhà. 

Những giải pháp đi vào thực tiễn gần như chỉ mới bắt đầu nhưng góp phần giúp thành phố có chuyển biến tích cực hơn khi những dự án quan trọng thuộc nhóm A sẽ được rút ngắn thủ tục đầu tư và công trình làm nhanh hơn giúp giải quyết những vấn đề kẹt xe, an toàn giao thông…

 

Theo thống kê của Cục thống kê Tp. Hồ Chí Minh, trong điều kiện có các cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố sẽ có thêm nguồn lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng là 8,13%/năm, đến 2026 - 2030 là 8,67%/năm. Tp. Hồ Chí Minh có thể đóng góp cho mức tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) cả nước từ 0,3% trong thời kỳ 2021 - 2025 và góp đến 0,5%/năm từ 2026 - 2030. Tức là GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của Tp. Hồ Chí Minh có thể chiếm tỷ trọng 23,7% GDP cả nước vào năm 2025 và chiếm 25,6% vào năm 2030.

* Nhiều rào cản

Theo các chuyên gia, hiện nay, sức ép phát triển đã và đang đặt lên vai thành phố không ít thách thức như: hiệu suất đầu tư đang có chiều hướng chững lại. Nguồn nhân lực chưa được khai thác tốt nhất,;tình trạng ngập úng, ùn tắc giao thông cùng những vấn đề an sinh xã hội đang đặt ra yêu cầu cấp bách, đòi hỏi phải có giải pháp, cơ chế quyết liệt. Một trong những thách thức lớn là Tp. Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng lớn của quá trình di dân từ các địa phương khác về. Điều này đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề về giao thông, nhà ở, trường học, bệnh viện, vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Do đó, việc triển khai cơ chế đặc thù cũng phải hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề này.

Bên cạnh đó, quỹ đất phát triển công nghiệp đang dần trở bị thu hẹp, các ngành thâm dụng lao động lớn như: dệt may, da giày, cơ khí đơn giản, lương thực thực phẩm mất dần ưu thế trong tương lai. Do đó, cần cân nhắc phát triển những ngành này theo các công đoạn mà thành phố có lợi thế như: thiết kế, công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác có trình độ tự động hóa cao, điện tử và công nghệ thông tin.

Ngoài ra, mặt bằng sản xuất kinh doanh đang là trở ngại lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Hiện nay, các nhà đầu tư của thành phố đầu tư ra bên ngoài nhiều hơn thu hút đầu tư bên ngoài vào thành phố. Trong khi đó, chi phí thuê mặt bằng sản xuất của thành phố thì cao hơn so với các địa phương lân cận. Vì thế, cần vận dụng cơ chế đặc thù liên quan đến quyết định sử dụng đất để quy hoạch lại mặt bằng, tạo quỹ đất sản xuất kinh doanh. 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, nước… đang chịu sức ép quá tải, trong khi ngân sách, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng chưa tương xứng. Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2016 đến 2020 ước khoảng 1.830 nghìn tỷ đồng; trong đó, chỉ tính riêng nhu cầu vốn trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập, cải tạo chỉnh trang, phát triển đô thị và các lĩnh vực khác thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố khoảng 850.000 tỷ đồng, chiếm 46%. Tuy nhiên, khả năng ngân sách thành phố hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư trên.

Bài 2: Doanh nghiệp được hưởng lợi gì?

https://bnews.vn/van-dung-co-che-dac-thu-bai-1-co-hoi-dot-pha-cho-tp-ho-chi-minh/99879.html

LIÊN KẾT
FANPAGE