TPHCM sáng tạo và bứt tốc phát triển - Bài 2: Vượt chướng ngại và tăng tốc

Date: - View: 627 - By:

TPHCM sáng tạo và bứt tốc phát triển - Bài 2: Vượt chướng ngại và tăng tốc

SGGP 
 
 
Khí thế, quyết tâm hồi phục và phát triển của cán bộ, công chức, của doanh nghiệp (DN), của người dân đã rõ, nhưng trước mắt là những thách thức không nhỏ. Có những vấn đề mới phát sinh, có những việc đã tồn tại từ lâu cần thẳng thắn đối diện và có giải pháp quyết liệt tháo gỡ để có thể tăng tốc phát triển.
 

 

  •  

Công nhân Công ty CP thực phẩm Bình Tây hối hả làm việc. Ảnh: VĂN MINH

Công nhân Công ty CP thực phẩm Bình Tây hối hả làm việc. Ảnh: VĂN MINH

Chuyển điểm nghẽn thành nguồn lực

Nếu như các tiềm lực, thế mạnh có thể giúp TPHCM phát triển thuận lợi, thì những vướng mắc, điểm nghẽn tồn tại bấy lâu và lộ rõ qua đại dịch Covid-19 có thể là chướng ngại vật làm chậm, thậm chí kéo lùi sự phát triển. Theo các chuyên gia, nếu thành phố chuyển hóa được các vướng mắc, biến các điểm nghẽn hiện nay thành nguồn lực, thành năng lượng sáng tạo thì TPHCM sẽ có bước tiến đều và chắc.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhận xét, các điểm nghẽn của TPHCM là cấp phép các dự án đầu tư lớn và giải ngân các dự án đầu tư hạ tầng quá chậm. Tương tự, nhiều dự án “treo”, chương trình kích cầu bị dừng lại mà chưa khởi động chương trình mới, không khí làm việc bị chùng lại, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu động lực làm việc và sáng tạo… “Đó đang là trở ngại của thành phố, cần khơi thông để phát triển”, TS Huỳnh Thanh Điền phân tích. Ông đánh giá, nếu khơi thông được, thì GRDP của TPHCM tăng ít nhất 10%.

Hiện nay, hàng trăm dự án trên địa bàn TPHCM chậm triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị, làm lãng phí tài nguyên đất, lãng phí nguồn lực phát triển. Thậm chí, nhiều dự án ở tình trạng quy hoạch kéo dài hàng chục năm, dự án “treo” vắt qua nhiều thế hệ người dân, như: dự án xây dựng Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Khu đô thị Tây Bắc, dự án Safari (huyện Củ Chi)… “Huyện đề xuất TPHCM và các cấp sớm hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý nhằm sớm kêu gọi đầu tư triển khai dự án Safari, Khu đô thị Tây Bắc để đưa vào sử dụng, góp phần vào sự phát triển chung của thành phố. Cần tránh bỏ đất hoang hóa kéo dài và hạn chế quyền của người dân trên chính mảnh đất của mình, gây bức xúc trong nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền mong mỏi.

Từ thực tế công tác quản lý, nhiều quận, huyện cũng đề xuất các cơ chế, chính sách để “vượt chướng ngại vật”, bứt tốc phát triển. Quận Bình Tân là địa phương có dân số đông, trong khi đó, cơ sở hạ tầng, giao thông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đề xuất TPHCM có chủ trương thực hiện các dự án quan trọng trên địa bàn quận, trong đó có dự án đầu tư xây dựng mới đường vành đai trong, vành đai 2 (đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh)… nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cần cơ chế tháo trở ngại

TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên của cả nước - được thành lập với vai trò phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành “cực” tăng trưởng mới mang tính dẫn dắt của TPHCM. Thế nhưng, năm đầu tiên thành lập cũng là năm nhiều biến động do đại dịch Covid-19; đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách mới đối với TP Thủ Đức, và TP Thủ Đức cơ bản đang vận hành như một chính quyền địa phương tương đương cấp quận, huyện.

Bàn về cơ chế, đặc thù cho địa phương, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, trăn trở: “Khi thành lập TP Thủ Đức, tất cả chúng ta đều mong muốn có gì đó mới mẻ và thật sự có sức bật cho kinh tế TPHCM. Nhưng qua 1 năm đầu tiên, phần lớn thời gian phải phòng chống dịch Covid-19; còn những mong muốn có chính sách đổi mới hơn thì đến giờ vẫn chỉ dừng ở ý tưởng, sự thảo luận mà thôi”.

Theo ông Hoàng Tùng, đây thực sự là điều rất đáng tiếc. Tài chính cũng đang là vấn đề rất quan trọng đối với TP Thủ Đức. Số kết dư trong năm qua của TP Thủ Đức đang ở mức rất đáng lo, chỉ khoảng 200 tỷ đồng. Nếu duy trì kết dư với mức này thì sau 

5 năm, TP Thủ Đức chỉ xây được... 3 trường trung học, mà đó là chỉ tính riêng chi phí xây dựng, chưa tính đến chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Từ thực tế này, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức mong muốn TPHCM cùng các bộ, ngành và Trung ương sớm có cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn đối với địa phương, đưa TP Thủ Đức thực sự trở thành trung tâm, động lực phát triển như định hướng.

DN là xương sống của nền kinh tế. Để DN và người lao động yên tâm sản xuất, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (Hepza), cho rằng, cốt lõi vẫn là các chương trình kích cầu đầu tư của thành phố, cùng các giải pháp hỗ trợ ngắn hạn, lâu dài cho DN và chính sách ổn định nơi ăn, chốn ở an toàn cho người lao động. Ông Hứa Quốc Hưng kiến nghị TPHCM có kế hoạch rà soát quỹ nhà trọ ở các địa phương, trên cơ sở đó sẽ thống kê, sắp xếp, bố trí lại theo khu vực gắn với vị trí sản xuất của các DN, để hỗ trợ người lao động. Cùng với đó là hỗ trợ giới thiệu các quỹ nhà trọ theo cụm, theo khu vực cho Hepza để cung cấp thông tin cho người lao động và DN. Đặc biệt, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân phải là sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà đầu tư Công ty Phát triển hạ tầng KCX-KCN và các nhà đầu tư thứ cấp (là DN sản xuất trong các KCX-KCN).

Đối với địa bàn đông công nhân, người lao động, vấn đề nhà ở và bài toán nhân lực cán bộ cơ sở cũng cần được quan tâm giải quyết. Tại huyện Bình Chánh, theo thống kê đến cuối năm 2021, dân số của huyện là trên 800.000 người. Số dân đông, tăng rất nhanh gây áp lực lớn lên hạ tầng và công tác quản lý. Do vậy, huyện rất mong sớm được tháo gỡ vướng mắc về chính sách, đầu tư hạ tầng và tăng số lượng cán bộ không chuyên trách theo số dân cư trú thực tế.

Tương tự, dân số ở quận Bình Tân hiện cũng trên 800.000 người, trong đó có phường có trên 100.000 người. Để quận giải quyết tốt nhu cầu của người dân và bứt tốc phát triển trong thời gian tới, bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đề xuất TPHCM xem xét bổ sung quy hoạch và xây dựng các khu nhà ở cho người thu nhập thấp, nhất là khu lưu trú cho công nhân lao động trong các KCN; huy động nguồn lực xã hội để phát triển mạng lưới công trình y tế chất lượng cao.

* Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH - Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM: Đẩy nhanh chuyển đổi số, tạo hệ sinh thái tiện ích

TPHCM xác định chuyển đổi số đang có một sứ mệnh mới, sáng tạo và ứng dụng các giải pháp công nghệ số để góp phần phòng chống dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dữ liệu chính là nguồn tài nguyên quan trọng. Vì thế, TPHCM tiếp tục phát triển Kho dữ liệu dùng chung, tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu về người dân. TPHCM cũng phát triển dữ liệu mở (open data) để người dân, DN và chính quyền có thể đẩy mạnh hợp tác cùng xây dựng một hệ sinh thái sản phẩm tiện ích có giá trị cao, kiến tạo môi trường khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ theo định hướng mở.

* Ông LÊ BÁ LINH - Chủ tịch HĐQT Công ty Pacific foods: Kiến nghị giảm phí để nâng cao sức cạnh tranh

DN đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày mở cửa trở lại, hòa cùng sự phát triển của TPHCM và cả nước. Chúng tôi đang chuẩn bị mở rộng thị trường sang châu Âu, Trung Đông bên cạnh thị trường truyền thống là Mỹ, Canada và hướng về thị trường trong nước.

Để làm được việc đó, không riêng chúng tôi mà các DN cần thêm nhiều nguồn lực từ sự hỗ trợ của Nhà nước. Đó là việc giãn thời hạn nộp thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30% trong năm 2022, giảm 25%  trong năm 2023 cho tất cả DN nhỏ và vừa. Chúng tôi cũng kiến nghị giảm 50% các loại phí ngân hàng cho DN. Rất mong có cơ chế đặc biệt cho DN trong vấn đề logistics, cắt giảm phí cầu đường để giảm chi phí, giúp nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa…

* Ông TRIỆU ĐỖ HỒNG PHƯỚC - Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè: Huy động nguồn lực đầu tư của xã hội

Với mục tiêu xây dựng huyện trở thành quận, Nhà Bè rất cần nguồn lực xây dựng các trục đường giao thông liên vùng như trục đường 15B, trục đường Phạm Hùng nối dài… Huyện rất mong TPHCM chấp thuận chủ trương giao huyện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và bố trí kế hoạch đầu tư công để xây dựng các tuyến đường kết nối giao thông ở huyện.

Trường hợp nguồn vốn đầu tư công gặp khó khăn, huyện kiến nghị TPHCM chấp thuận chủ trương huy động nguồn lực của nhà đầu tư, DN và nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm theo phương thức Nhà nước, nhà đầu tư và các cá nhân cùng thực hiện.

NHÓM PV

https://www.sggp.org.vn/tphcm-sang-tao-va-but-toc-phat-trien-bai-2-vuot-chuong-ngai-va-tang-toc-796946.html

LIÊN KẾT
FANPAGE