TPHCM sáng tạo, bứt tốc phát triển: Chuẩn bị sẵn sàng đón nhà đầu tư lớn
Doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2022. Ảnh: VIỆT DŨNG
Sự trở lại mạnh mẽ
Những ngày gần đây, TPHCM đã đón tiếp và làm việc với 12 đoàn trong, ngoài nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như trao đổi về các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư. Thành phố đã tổ chức liên tiếp các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội thảo nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh doanh, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và thương hiệu sản phẩm... Nổi bật là hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn năm 2022. Đây là hoạt động xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất cả nước từ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Qua đó, đã có 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các nhà đầu tư và 31 bản ghi nhớ đầu tư với tổng trị giá hơn 16 tỷ USD được trao tới DN. Các dự án mới được đánh giá sẽ tạo thêm nguồn lực cho đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, đóng góp ngân sách, phát triển địa phương.
TPHCM cũng tổ chức các hoạt động quy mô lớn như: diễn đàn kinh tế TPHCM thu hút hơn 900 đại biểu, DN, tổ chức tài chính trong và ngoài nước; lãnh đạo TPHCM gặp gỡ 24 nhà đầu tư tiềm năng, tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế sáng kiến, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội... Nhìn lại chuỗi hoạt động sôi động vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đánh giá: “Các hoạt động này là thông điệp cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của thành phố sau dịch Covid-19”. TPHCM cũng mong muốn phát huy kết quả từ các hoạt động trên, tiếp tục thu hút nhiều hơn sự đầu tư, góp phần tạo tăng trưởng và phát triển bền vững.
Hiện nay, TPHCM đã phục hồi đà tăng trưởng dương sau thời gian dài tăng trưởng âm và đang tăng tốc phát triển mạnh mẽ trở lại. Sự hồi phục này có vai trò của các nhà đầu tư, và cũng chính sự hồi phục đang là hấp lực đối với các nhà đầu tư muốn đồng hành với thành phố. Góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT, thành phố đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đối với 4 lĩnh vực. Đó là ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực R&D; các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - công nghệ cao, ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ưu tiên ngành công nghệ thông tin, ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Từ đầu năm 2022 đến nay, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của DN trong nước, TPHCM thu hút được 1,28 tỷ USD đầu tư FDI, tăng 12,18% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. |
Luôn cần tinh thần đồng hành
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Cường, chia sẻ, ông luôn muốn đóng góp một phần vào sự phát triển của TPHCM và cả nước. Tuy nhiên, điều mà ông cũng như nhiều nhà đầu tư trăn trở là không ít khó khăn chưa được tháo gỡ, thời gian làm thủ tục hồ sơ kéo dài và sự không ổn định về vấn đề pháp lý dự án, dẫn tới tình trạng dự án năm nay đúng nhưng năm sau có thể sai, gây rủi ro cho DN. Điều này khiến nhà đầu tư không chủ động được kế hoạch, cũng khó cam kết đúng với khách hàng, đối tác. Theo ông Nguyễn Việt Cường, địa phương đề nghị DN cam kết làm dự án tới nơi tới chốn là đúng; và ở chiều ngược lại, chính quyền cũng cần có trách nhiệm với dự án đã phê duyệt, có cam kết giúp DN làm được tới nơi tới chốn.
Chia sẻ với trăn trở trên, năm 2022, TPHCM tăng cường tổ chức đối thoại với DN, theo tinh thần đồng hành cùng DN. Trong đó, hệ thống “Đối thoại DN - chính quyền Thành phố” được duy trì thường xuyên nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN về lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, lao động… Là địa phương đang thu hút mạnh các nhà đầu tư, ông Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết, huyện tích cực đối thoại với DN, luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư khảo sát, tiếp cận thông tin đầy đủ, thuận lợi nhất để đưa ra phương án đầu tư tối ưu. Huyện cũng hỗ trợ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi giải quyết các thủ tục liên quan trong thẩm quyền.
Ở cấp thành phố cũng nỗ lực tạo điều kiện, kiến tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn. Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai khẳng định, các chính sách ưu đãi đầu tư về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… được TPHCM thực hiện theo Luật Đầu tư và Quyết định 29/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Cùng với thực hiện tốt quy định chung, TPHCM đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, số lượng DN trên địa bàn TPHCM chiếm 32% số DN trong cả nước, số dự án FDI chiếm 30% cả nước. Vì thế, TPHCM chú trọng tăng cường liên thông một cửa để giải quyết thủ tục đầu tư kinh doanh, cắt giảm từ 30% thời gian xử lý hồ sơ đăng ký DN, tất cả hồ sơ đều giải quyết trực tuyến. Thành phố cũng cắt giảm từ 30% thời gian xử lý hồ sơ đăng ký đầu tư FDI, nếu DN nộp hồ sơ trực tuyến thì thời gian được rút ngắn xuống 50%.
“TPHCM mời gọi các nhà đầu tư đồng hành và hợp tác lâu dài với TPHCM, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố, của cả nước và cũng là của chính DN. Về phần mình, chính quyền TPHCM luôn luôn bên cạnh các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, các nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đẩy mạnh cấp phép đầu tư các dự án lớn
Để thu hút đầu tư khôi phục và phát triển kinh tế, trước hết, TPHCM cần tập trung đẩy mạnh xem xét và cấp phép đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án xây dựng nhà xưởng, văn phòng. Khi nhiều dự án được phép thi công kéo theo các ngành xây dựng, sắt thép, xi măng, dịch vụ phụ trợ khác do DN vừa và nhỏ đảm nhận phát triển. Đồng thời, các khu đô thị đang điều chỉnh quy hoạch nhiều năm chưa xong cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt để tạo tiền đề đầu tư cho những năm sau. Những thủ tục này, thời gian qua TPHCM làm rất chậm và điều này cần được khắc phục.
Kế đến, TPHCM cần đẩy mạnh tiến độ đầu tư hạ tầng các dự án dở dang: các tuyến đường vành đai, nhất là đường Vành đai 2, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến giao thông nội ô, ngoại ô và kết nối với các tỉnh. TPHCM cần tranh thủ gói mở rộng tài khóa vừa ban hành giải ngân cho các công trình của thành phố, từ đó sẽ góp phần trực tiếp tăng GRDP và gián tiếp thúc đẩy các DN phụ trợ phát triển. Nếu làm được 2 điều trên thì tăng trưởng GRDP của TPHCM ít nhất cũng 3-4%.
Ngoài ra, TPHCM cần khởi động lại chương trình kích cầu hỗ trợ lãi vay cho các dự án tư nhân trong các lĩnh vực thành phố khuyến khích đầu tư. Đó là đầu tư hạ tầng cho khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất ứng dụng công nghệ cao; phát triển các trung tâm thương mại, phân phối. Bởi, khi có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các dự án này sẽ thúc đẩy tư nhân mạnh dạn đầu tư. Khi đó, thành phố sẽ có thêm nguồn thu từ các loại thuế, phí có liên quan và cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư hướng đến các quốc gia mục tiêu như Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU... vào TPHCM.
Một điểm cần thẳng thắn nhìn nhận là việc cấp phép các dự án đầu tư lớn còn chậm, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư hạ tầng quá chậm, chương trình kích cầu bị dừng lại mà chưa khởi động chương trình mới… Đó đang là trở ngại, là điểm nghẽn của thành phố và cần khơi thông các rào cản này. Điều quan trọng là TPHCM cần nhanh chóng thúc đẩy cải cách chính sách tiền lương, kiến tạo môi trường làm việc văn minh tiến bộ và cải thiện hệ thống thăng tiến, giúp cán bộ, công chức thi triển và cống hiến tài năng cho TPHCM, phục vụ người dân và DN.