Thúc đẩy liên kết vùng trong thu hút FDI khu vực kinh tế Đông Nam Bộ

Date: - View: 1269 - By:

 

Được đánh giá là những địa phương năng động, hàng đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong những năm qua, tuy nhiên sự liên kết, hỗ trợ nhau giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt với vai trò là những hạt nhân quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong lĩnh vực này còn rất hạn chế, thậm chí còn có sự cạnh tranh với nhau.


Khu Công nghệ cao, quận 9, TP.HCM. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Trong bối cảnh đó, câu chuyện kết nối dựa trên thế mạnh của từng địa phương, sự phân vai để tránh chồng chéo, tương hỗ được đặt ra cấp thiết.

Đẩy mạnh kết nối

Theo Bộ Giao thông Vận tải, những năm qua, các tuyến trục giao thông chính yếu kết nối các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã và đang được đầu tư, kết hợp với công tác quản lý, bảo trì nên năng lực thông qua đã được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, so với nhu cầu, hệ thống giao thông vận tải còn chưa tạo ra đột phá cho phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hạn chế quá trình phát triển vùng với nhịp độ tăng trưởng cao hơn.

Đặc biệt, các tuyến đường liên vùng, hướng tâm, vành đai, các tuyến nối cảng biển với cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế chưa hoàn chỉnh; tình trang quá tải diễn ra cả giao thông đô thị và trên một số tuyến đường bộ, cảng hàng không, cảng biển. Chính vì vậy, chất lượng vận tải và dịch vụ vận tải chưa cao, tính cạnh tranh thấp, chi phí chưa hợp lý, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu.

Hiện nay, ngành giao thông vận tải đang nỗ lực tháo gỡ các nút thắt về kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực này, nhất là về đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 313.000 tỷ đồng, trong đó tập trung vào đầu tư xây dựng cảng hàng không trung chuyển quốc tế Long Thành, hệ thống đường cao tốc, đường sắt đô thị…

Dưới góc độ nghiên cứu, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, Nhà nước cần tập trung nguồn lực cho vùng kinh tế động lực để phát triển hạ tầng hiện đại, phát triển các khu chế xuất, khu thương mại tự do để thu hút đầu tư quốc tế. Đặc biệt có chính sách khuyến khích phát triển để hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực. Trung tâm tài chính sẽ là tiền đề để phát triển kinh tế cho cả vùng.

Nhấn mạnh sự cần thiết về liên kết vùng của Thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng cần huy động hiệu quả nguồn vốn đầu tư của xã hội cho cơ sở hạ tầng sử dụng chung theo hướng kết nối tốt nhằm giải chi phí vận chuyển giữa các địa phương trong vùng để giải quyết bài toán liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, phải đẩy mạnh, nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng trong khu vực để tạo điều kiện thu hút đầu tư kịp thời. Cùng đó, khuyến khích đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ cao và công nghệ hỗ trợ (sản xuất các yếu tố đầu vào thay thế nhập khẩu) phù hợp với chính sách phát triển công nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, xây dựng cơ chế quản lý đất đai, cho thuê mặt bằng phải tính đến sự chênh lệch giá cả hợp lý theo hướng giảm dần từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đến đầu cuối của hàng lang kinh tế để kích thích kéo dãn không gian đầu tư ra các tỉnh.

Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chia sẻ, kinh nghiệm thu hút FDI ở nhiều quốc gia cho thấy, yếu tố quyết định lựa chọn vị trí đầu tư của FDI là môi trường kinh doanh hội đủ các yếu tố về kết nối hạ tầng, nhân lực, nhà cung ứng, sự năng động của chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý trong đầu tư. Khi tạo ra môi trường làm ăn hấp dẫn thì tự khắc FDI sẽ đến.

Việc ưu đãi về thuế và mặt bằng cho FDI sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh, càng tạo ra tác động “chèn lấn” đối với với doanh nghiệp bản địa và tham nhũng trong công tác cấp phép đầu tư.

Xác định sản phẩm chủ lực

Để các tỉnh, thành trong khu vực thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn vốn FDI, ông Đặng Xuân Quang -Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần hoàn thiện quy hoạch các quy hoạch chuyên ngành cho không gian phát triển kinh tế - xã hội, nhất là quy hoạch sử dụng đất để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; quan tâm làm tốt quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển đô thị.

Hơn nữa. các mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường không phải gắn kết với hệ thống vành đai các cụm, khu công nghiệp, khu chế biến tạo nên môi trường công nghiệp hiện đại, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh.

Nhấn mạnh cần xác định sản phẩm, dịch vụ chủ lực của cả Vùng trên cơ sở đó xây dựng chính sách thu hút và hỗ trợ đầu tư, theo GS.TS Võ Thanh Thu, giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, nên tập trung vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển sản phẩm dịch vụ có thế mạnh công nghiệp tiên phong, có khả năng dẫn dắt tạo bước đột phá và hỗ trợ các vùng khác về lĩnh vực này.

Theo đó, mỗi tỉnh, thành thuộc vùng khi xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng năm, trung hạn và dài hạn cần đưa nội dung liên kết, hợp tác với toàn vùng.

Nhận định về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, các tỉnh thành trong khu vực cần có trung tâm thông tin – dữ liệu của vùng với công nghệ hiện đại và tin cậy nhất, nhằm phục vụ cho quản lý, nghiên cứu, thu hút đầu tư nước ngoài và marketing vùng.

Đồng thời, hình thành và phát triển hệ thống dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với hoạt động của trường đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Mặt khác, xây dựng hệ thống đào tạo nhân lực có trình độ chuyên môn đạt tầm khu vực và quốc tế. Đảm bảo cung cấp dồi dào nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến – chế tạo. Đây phải được xem là giải pháp đột phá cả trong ngắn và dài hạn để đảm bảo Vùng kinh tế Đông Nam Bộ phát triển bền vững.

Cũng theo giới phân tích: Với năng lực của các doanh nghiệp trong nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, việc liên kết, phát triển quan hệ đối tác công tư (PPP) có sức thu hút vốn trong và ngoài nước, vừa tạo sự đa dạng trong việc phát triển ngành kinh tế, tăng thêm việc làm cho người lao động.

Theo ông Đặng Xuân Quang, trong điều kiện không gian hợp tác kinh tế quốc tế được mở rộng, với việc Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đồng thời với việc gia nhập hàng loạt các cam kết quốc tế thế hệ mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều phương thức thu hút đầu tư nước ngoài mới như M&A trong lĩnh vực công nghệ, tài chính, bất động sản…

Hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cũng như mô hình khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận với các nguồn vốn nước ngoài

Để có được nguồn vốn FDI cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thu hút cụ thể, trong đó, vấn đề được quan tâm đặc biệt là bảo đảm quyền sở hữu nguồn vốn, cơ chế để thực hiện việc lưu chuyển vốn đầu tư, chuyển đổi ngoại hối một cách thuận lợi.

Ngoài ra, cần thiết lập mối liên kết vùng với sự hỗ trợ từ địa phương nòng cốt như Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện dịch chuyển nhà máy, doanh nghiệp hoặc mở rộng địa bàn kinh doanh đến những tỉnh ít có thế mạnh hơn trong vùng.

Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Cành, liên kết vùng trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh không thể dùng biện pháp hành chính đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp mà để cho họ tự do lựa chọn. Nhà nước muốn thu hút, định hướng cho họ chỉ có thể tạo ra môi trường thuận lợi mà thôi.

Nói cách khác, chính quyền địa phương (các tỉnh, thành trong vùng) chỉ có thể hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp bằng cách là phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nới lỏng các quy định, đảm bảo tự do hoá thị trường các nhân tố như thị trường đất đai, thị trường vốn, thị trường công nghệ và thị trường lao động.

Nhấn mạnh vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh trong việc tạo sự lan toả trong thu hút vốn FDI, ông Phan Chánh Dưỡng -nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty phát triển Công ngiệp Tân Thuận, người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thu hút vốn FDI, cho rằng thay vì đầu tư phát triển, mở rộng các khu chế xuất, khu công nghiệp, Tp. Hồ Chí Minh nên phân phối lại việc sản xuất cho các tỉnh thành lân cận để tập trung vào mục tiêu trở thành trung tâm nghiên cứu, tài chính, thương mại, dịch vụ đủ sức phục vụ cho nhu cầu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông Phan Chánh Dưỡng, việc kêu gọi FDI của Tp. Hồ Chí Minh cũng không nên chỉ tập trung vào các dự án của thành phố mà cần đóng vai trò là cầu nối, phân phối nguồn vốn đầu tư cho các địa phương lân cận, đặc biệt là khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cùng quan điểm này, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Cành cho rằng, để không cạnh tranh lẫn nhau giữa các tỉnh, thành trong vùng, thì các tỉnh thành cần thống nhất có chính sách và quy định chung về sử dụng các nguồn lực trong vùng có hiệu quả.

Ngoài ra, nhằm phát huy hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào thực hiện những mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển với trình độ cao hơn, các địa phương và các Bộ ngành Trung ương cần có những chính sách và các bước chuẩn bị về đất đai, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và môi trường đầu tư.

Điều này sẽ góp phần đảm bảo khả năng hấp thụ nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng hiệu quả, góp phần tích cực đến quá trình tăng trưởng kinh tế của các địa phương riêng và Việt Nam nói chung.

Theo Anh Tuấn (TTXVN/Vietnam+)

 

 

LIÊN KẾT
FANPAGE