Thiếu công nghiệp hỗ trợ: Dệt may, da giày đối diện thách thức

Date: - View: 1131 - By:

Mặc dù là ngành nghề điểm với khả năng thu hút vốn đầu tư của nhiều nước, song sau hơn 20 năm phát triển ngành dệt may và da giày đã có dấu hiệu chững lại. Phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ các nước, cùng với sự nghèo nàn về công nghiệp hỗ trợ đang trở thành thách thức đối với ngành dệt may, da giày.

da giầy Việt Nam đẩy mạnh hoạt động cạnh tranh

 

Giày dép Việt Nam đẩy mạnh hoạt động cạnh tranh
Ảnh: S. XANH

Tỷ lệ nội địa thấp

 
Theo báo cáo của chương trình Tư vấn Chính sách Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh do Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thực hiện vào cuối năm 2014, DN vừa và nhỏ (DNVVN) chiếm 95% trên tổng số DN đang hoạt động  và 42% về số lượng lao động toàn ngành công nghiệp nhưng chỉ tạo ra 21% doanh thu, 6,7% về lợi nhuận và nộp ngân sách 9,8%. Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, TS Huỳnh Thanh Điền, ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, do hạn chế về mặt công nghệ nên DNVVN rơi vào vòng luẩn quẩn của năng lực cạnh tranh thấp. Vòng luẩn quẩn này bắt đầu từ hạn chế về vốn để thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ dẫn đến chất lượng sản phẩm kém và giá thành sản phẩm cao. Điều đặc biệt, không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nên gia công vẫn hoàn gia công. 
 
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sau hơn 20 năm nhưng chúng ta vẫn chỉ là những tay gia công lành nghề mà chưa thể làm chủ. Chính vì thiếu sự hỗ trợ của CNHT nên ngành dệt may, da giày không thể có sự đột phát trong phát triển và hội nhập. Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành này đang phải nhập khẩu 60 - 70% nguyên phụ liệu từ các nước. Chính vì lẽ đó mà địa phương có nhiều DN dệt may như TP.HCM lại có khoảng 85% DN may sản xuất theo phương thức gia công đơn giản như: cúc, đệm bông, dây khóa, bông chum... Số còn lại có phần khấm khá hơn song xét cho cùng cũng không bằng ai khi 13% DN phải mua nguyên liệu, bán thành phẩm. Chỉ 2% trong tổng số các DN xuất khẩu dệt may phát triển theo chuỗi: thiết kế, phát triển nguyên phụ liệu, sản xuất, giao hàng. Hiện hơn 80% DN dệt may đang phải nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài. 
 
Tương tự, nguyên phụ liệu của ngành da giày chỉ tập trung vào các khâu đơn giản: đế giày, khuy, khoen, khóa, lót giày, thùng carton… riêng sản phẩm da, thuộc da thì hoàn toàn nhập khẩu. Chính vì quá phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nên tỷ lệ nội địa hóa đối với mặt hàng dép da và giả da chỉ đạt 37%, dép vải đạt 41%, giày thể thao đạt 39%... 
 
Sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ các nước đang trở thành thách thức đối với ngành dệt may, da giày trong thời gian tới. Bất lợi sẽ xảy ra khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hiệp định thương mại xuyên Châu Á - Thái Bình Dương. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm quá thấp thì Việt Nam có hội nhập sâu hơn hiện nay thì cũng không được hưởng thuế suất ưu đãi và tiếp tục làm công cho các nước. 
 

Chờ chính sách mở

 
Nhìn nhận từ thực tế khó khăn, ông Lê Quang Hùng Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty sản xuất thương mại May Sài Gòn cho rằng, CNHT của ngành dệt may còn quá yếu chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về mức độ phong phú, đa dạng, chủng loại, giá thành thiếu cạnh tranh. Muốn tháo gỡ được nút thắt này, theo ông Hùng, thành phố phải quyết tâm, có chủ trương phát triển CNHT nhằm hỗ trợ DN nâng cao lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Còn ông Nguyễn Chí Trung, đại diện Cty giày Gia Định cho rằng, khó khăn lớn nhất của các DN da giày khi đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu là tài chính. Nhiều DN vẫn phải "tự bơi” do chưa có chính sách ưu đãi cho DN đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. "Không chỉ có ưu đãi về tài chính, DN cũng cần có chính sách ưu đãi về đất đai để tạo điều kiện cho DN đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Trung bày tỏ.
 
Phát triển CNHT đang trở thành vấn đề quan trọng và cấp bách quyết định khả năng cạnh tranh của DN cũng như quốc gia cho nên rất nhiều DN kiến nghị, nhà nước nên thành lập một cụm công nghiệp nguyên phụ liệu để tập trung sản xuất nguyên phụ liệu. Trong đó, tập trung gỡ nút thắt xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại hoặc các công đoạn của ngành may như wash, in... Bên cạnh đó, nhà nước và các tỉnh thành cần có chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư trong cụm công nghiệp nguyên phụ liệu về thuế đất, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư... 
 
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, để phát triển ngành CNHT nhanh chóng và bền vững cần có các chính sách khuyến khích đủ mạnh đúng mức, và đồng bộ đối với DN. Cụ thể, nên cân nhắc giảm thuế thu nhập DN, miễn hoặc giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với sản phẩm CNHT. Cùng với việc miễn, giảm thuế cần có chính sách hỗ trợ về tín dụng thông qua việc ổn định lãi suất cho DN đầu tư trong lĩnh vực này.
 
theo báo Đại Đoàn Kết
LIÊN KẾT
FANPAGE