Thị trường thực phẩm Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Date: - View: 1133 - By:

SGGP 
 
Với dân số khoảng 93 triệu người, trong đó 56% dưới 30 tuổi, thu nhập cải thiện với thói quen mua sắm sản phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến. Đây được cho là một trong những điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 
 

Doanh nghiệp ngoại ồ ạt vào Việt Nam

Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết, khảo sát về tình hình đầu tư cũng như xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản gần đây cho thấy, hiện Việt Nam đang là thị trường tiềm năng của ngành hàng nông thủy sản Nhật Bản. 

Theo thống kê về thương mại của Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu hàng thực phẩm và nông thủy sản Nhật Bản năm 2017 vào thị trường Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đứng thứ 6 toàn cầu, với kim ngạch kỷ lục từ trước tới nay đạt 39,5 tỷ yên (350 triệu USD). Riêng trong 5 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng mạnh mẽ 24,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Nguyễn Khắc Luận, Tổng giám đốc Công ty Vinexad, cho biết cùng với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm ngày càng đa dạng và mở rộng hơn, Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường đầy hứa hẹn không chỉ cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu từ Nhật Bản mà còn rất nhiều quốc gia trong khu vực. Đơn cử, chỉ tính riêng triển lãm Vietfood & Beverage - Propack 2018 vừa diễn ra tại TPHCM, đã thu hút sự tham gia của 550 DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, mang đến hơn 3.000 sản phẩm mới thuộc 20 thương hiệu mạnh và 30 dòng sản phẩm hữu cơ. 

Cụ thể, các công ty đến từ Ấn Độ tập trung giới thiệu các nhóm mặt hàng: ngũ cốc, hoa quả sấy khô, bánh, snack, các loại gia vị được hòa trộn nhiều loại như thảo quả, rau, trái cây đặc trưng của vùng Orissa, Bengal và Assam; các món ăn thường thấy của người Ấn Độ được chế biến từ gà, dê, cừu, thủy sản… Các DN Ba Lan tập trung phát triển đầu tư cho thị phần các sản phẩm xuất khẩu đặc trưng như sữa, bánh kẹo, ngũ cốc, táo… 

Riêng với DN Hàn Quốc, Hiệp định Thương mại VK-FTA đưa 11.679 dòng thuế cho Việt Nam và 8.521 dòng thuế cho Hàn Quốc cam kết được xóa bỏ, giúp mở ra cơ hội ngày càng lớn cho cộng đồng DN 2 bên. Do đó, trong thời gian tới, các DN Hàn Quốc sẽ đầu tư vào chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam với phân khúc các mặt hàng như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhẹ, sữa bột, thực phẩm bổ sung. Các sản phẩm điện tử dân dụng như tủ đông, máy làm kem, cà phê, máy rửa bát. Ngoài ra, những yếu tố khác như mẫu mã, chất lượng, sự mới lạ khác nhau trong việc đổi mới hương vị và sự tiện dụng cho người dùng, cũng được các DN Hàn Quốc tính đến để tăng tính cạnh tranh so với các DN đến từ các quốc gia khác. 

Doanh nghiệp nội cần nâng cao chất lượng sản phẩm

Trong bối cảnh DN ngoại ồ ạt vào thị trường Việt Nam thì DN nội cũng đang đẩy mạnh đầu tư, tăng khả năng liên kết để giữ thị phần tiêu thụ nội địa. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho rằng TP là nơi tập trung số lượng lớn cộng đồng DN trong và ngoài nước, với mức độ sản xuất  hơn 70% các mặt hàng. Về lĩnh vực máy móc, thiết bị, TP cũng được đánh giá là địa phương có hoạt động sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, cũng như các điều kiện thuận lợi về chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước. Do vậy, Hội Lương thực Thực phẩm đang đẩy mạnh liên kết giữa các DN trong nước nhằm mở rộng quy mô sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, tăng nội lực cạnh tranh. Mặt khác, tận dụng tối đa lợi thế khi có sự gia nhập thị trường của DN nước ngoài bằng việc tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ, từng bước đa dạng hóa sản phẩm và khả năng tiện ích cho người tiêu dùng. Các DN Việt Nam có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, khẩu vị, nhu cầu của thị trường cũng như người tiêu dùng. Nhiều yếu tố khác cộng lại giúp cho nhóm các DN trong ngành thực phẩm, đồ uống trở thành những DN thương hiệu mạnh có uy tín trong nước và xuất khẩu. 

Tuy nhiên, ở góc độ ngược lại, TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng DN nước ngoài có chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam rất rõ nét, bởi sự dẫn dắt của các công ty bán lẻ sẽ ưu tiên phân phối hàng nước họ. Hệ thống phân phối trong nước đang mất dần vào các tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Hệ thống này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với DN nước họ, nhưng bất lợi đối với DN nội trong việc đạt chuẩn đưa vào hệ thống phân phối của họ ở Việt Nam.  

Hơn nữa, lâu nay phần lớn DN Việt thiếu định hướng xuất khẩu (xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI) nên không nắm bắt các tiêu chuẩn của các nước, cũng như không am hiểu đường đi, nước bước khi xuất khẩu. Tuy thuế suất bằng 0%, nhưng khả năng sản xuất đạt chuẩn để xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối ở các thị trường quốc tế rất hạn chế (nếu không muốn nói là không có khả năng), nên đối mặt với thách thức nhiều hơn là cơ hội. Khi hàng nước ngoài vào với tiêu chuẩn cao hơn, các mặt hàng thực phẩm an toàn hơn sản phẩm trong nước; các mặt hàng tiêu dùng chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá bán thấp hơn (do năng suất sản xuất cao hơn) sản phẩm trong nước... thì nguy cơ khách hàng nội quay lưng với DN nội cũng là dễ hiểu. 

Để ứng phó với tình hình mới, DN cần có tư duy toàn cầu về các tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm, phương thức phân phối để đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất, phát triển năng lực khai thác thị trường tốt hơn. DN Việt cần tái lập lợi thế mới cho phù hợp với hội nhập quốc tế thông qua tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị DN. Chỉ có việc tạo ra lợi thế mới để vượt lên trong bối cảnh chung, mới có thể giành lại những gì ta đã mất trong thời gian qua.

KHÁNH MY

http://www.sggp.org.vn/thi-truong-thuc-pham-viet-nam-hap-dan-nha-dau-tu-ngoai-537800.html

LIÊN KẾT
FANPAGE