Tận dụng lợi thế của thương mại điện tử

Date: - View: 1253 - By:

Thứ Năm, 16/08/2018

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) giúp sản xuất, kinh doanh tiết kiệm được nhiều chi phí, hàng hóa dễ tiếp cận khách hàng, quảng bá thương hiệu rộng rãi và tìm kiếm đối tác thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chưa xem TMĐT là một phần tất yếu của quá trình sản xuất, kinh doanh…

Theo Bộ Công thương, lĩnh vực TMĐT có mức tăng trưởng từ 20 đến 30%/năm trong 5 năm gần đây, trong đó hình thức kinh doanh chủ yếu là từ DN đến khách hàng, còn hình thức từ DN đến DN còn rất ít, chưa có sàn giao dịch TMĐT hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao.

Tại TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 130.000 website đang hoạt động, trong đó gần 9.000 website TMĐT đăng ký hoạt động với Bộ Công thương với 8.519 website TMĐT bán hàng và 391 website cung cấp dịch vụ TMĐT. Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên nhìn nhận, hoạt động TMĐT hiện nay đã giúp các nhà sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt hơn việc quảng bá thương hiệu, hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng, đồng thời làm thay đổi hình thức mua sắm của người dân thành phố.

Cửa hàng BaKaFood tại số 21, đường Trần Khắc Chân (quận 1) bày bán hơn 300 mặt hàng đặc sản, thực phẩm chế biến, lương thực, rau quả, đồ uống của nhiều vùng, miền cho khách hàng qua hai hình thức mua tại chỗ và bán trực tuyến (online). Ông Nguyễn Hà Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm BaKa (quận 12), chủ sở hữu cửa hàng BaKaFood, cho biết, cửa hàng khai trương được hơn nửa năm nay, lượng khách hàng tăng hơn 300% so với những ngày đầu, trong đó có 50% lượng hàng hóa bán qua mạng. Lượng hàng bán theo hình thức trực tuyến (online) tăng nhanh là do công ty cam kết về chất lượng, việc giao nhận, thanh toán dễ dàng.

Ông Đoàn Diệp Bình, Trưởng phòng truyền thông Lotte Mart cho biết, cuối năm 2017, Lotte Mart đưa ứng dụng “Speed Lotte” để bán hàng trực tuyến và đến nay, lượng khách mua hàng nhu yếu phẩm qua kênh này tăng đột biến. Ông Bình cho biết thêm, người tiêu dùng mua hàng online từ siêu thị tiện lợi, chi phí không tăng thêm nhưng vẫn mua được những món hàng mình ưng ý…

Ở bình diện chung, hoạt động TMĐT tại TP Hồ Chí Minh phát triển đứng đầu cả nước cả về số DN tham gia và lượng hàng giao dịch qua kênh này. Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của lĩnh vực TMĐT ngoài mặt lợi vẫn còn bộc lộ những yếu điểm từ phía người kinh doanh, gây mất niềm tin nơi người tiêu dùng. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (Trường đại học Nguyễn Tất Thành) đánh giá, trong hoạt động TMĐT hiện nay, phần lớn DN Việt Nam chủ yếu cải tiến công nghệ ở khâu tiếp thị (marketing), như marketing online, bán hàng, thanh toán online, việc ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất, kiểm soát chất lượng còn nhiều hạn chế. Cho đến nay, ở nước ta vẫn chưa hình thành được những sàn giao dịch TMĐT mang tính chuyên nghiệp cao. Khi hình thành được những sàn TMĐT chuyên nghiệp, các DN tận dụng tốt khâu thiết kế sản phẩm, chào bán, tiếp nhận đơn hàng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, giao hàng, thanh toán diễn ra rất nhanh chóng và chắc chắn mang lại hiệu quả sẽ cao hơn.

Thạc sĩ công nghệ thông tin Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lâm Ngân (chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử Exocomets) chia sẻ, lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam hiện có tốc độ phát triển nhanh, tuy nhiên chỉ tập trung ở hình thức DN với khách hàng, riêng hình thức DN với DN (tức sàn giao dịch hàng hóa) chưa phát triển. Nhiều DN chưa thấy được hết các mặt lợi ích mà sàn giao dịch TMĐT mang đến, chưa mặn mà, do vậy các sàn giao dịch TMĐT khó phát triển vì thiếu “bạn hàng” tham gia.

Có thể hình dung, sàn giao dịch TMĐT như một không gian triển lãm hàng hóa, đây không chỉ là nơi giao thương của các DN với nhau mà còn giúp DN mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa không biên giới. Để hình thành và phát triển được những sàn giao dịch TMĐT chuyên nghiệp, trước hết cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh để triệt tiêu những vấn đề tiêu cực trong hoạt động TMĐT. Các DN tham gia TMĐT cần xây dựng được một nền tảng: Người tiêu dùng trả tiền ngay khi đặt hàng, thay vì nhận hàng mới trả tiền như hiện nay. Khi nền tảng này được xác lập, tức là DN đã có đủ uy tín với khách hàng, cách trả tiền trước còn giúp quản việc đóng thuế tốt hơn, đồng thời niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng lên… 

Nhiều chuyên gia về TMĐT cho biết, các sàn giao dịch TMĐT ở nước ta hiện nay còn gặp những rào cản về chính sách khiến cho lĩnh vực này chậm phát triển. Tại nhiều nước, phí giao dịch chuyển tiền trực tuyến DN phải trả cho thẻ Visa phối hợp với ngân hàng rất thấp, trong khi ở nước ta hiện nay, phí dịch vụ chuyển tiền mất từ 3 đến 5% trên tổng trị giá của món hàng đã bán. Mức phí này tính ra còn cao hơn cả tiền DN nộp thuế doanh thu. Sở dĩ mức phí dịch vụ chuyển tiền trong hoạt động TMĐT còn cao là do có nhiều thành phần tham gia. Cụ thể, thẻ Visa thông ngân hàng, sau ngân hàng còn hai đơn vị làm dịch vụ trung gian, vì thế mức phí này phải chia cho bốn đơn vị, trong khi ở nhiều nước chỉ có hai đơn vị. Hiện nay, nhiều DN có hoạt động TMĐT mong muốn hệ thống ngân hàng trực tiếp mở dịch vụ thanh toán tiền trực tuyến cho hoạt động TMĐT để giảm phí...

Theo Bộ Công thương, kế hoạch phát triển tổng thể TMĐT ở Việt Nam đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt sẽ có 50% số DN xây dựng trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của mình; 80% số DN thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng TMĐT; hình thành một số DN kinh doanh dịch vụ TMĐT lớn, có uy tín trong khu vực Đông - Nam Á…

Bài, ảnh: ĐẠI ĐỒNG

http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37334802-tan-dung-loi-the-cua-thuong-mai-dien-tu.html

LIÊN KẾT
FANPAGE