Nuôi lớn doanh nghiệp nhỏ

Date: - View: 1138 - By:

Trước thực tế, phong trào khởi nghiệp đã và đang lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay, không ít chuyên gia kinh tế gợi ý, tại sao Nhà nước không tranh thủ “vỗ béo”, nuôi lớn những doanh nghiệp (DN) nhỏ, thay vì trông chờ các DN mới khởi nghiệp còn non kinh nghiệm. Bởi đây là cách đầu tư khả thi cho các dự án khởi nghiệp trên nền tảng sẵn có (tạo lập hiệu quả kinh doanh sau những năm tháng khởi nghiệp). 

Doanh nghiệp muốn lớn, nhưng…

Bà Nguyễn Thị Mai, chủ cửa hàng đồ gỗ, gia dụng, ngụ quận 10 (TPHCM), chia sẻ, cửa hàng của bà hoạt động được khoảng 20 năm, doanh thu ổn định. Tuy vậy, cửa hàng của bà chưa muốn lên DN vì không muốn gặp phiền toái, gánh thêm nhiều loại phí. Ngoài ra, hàng loạt loại phí “bôi trơn” khác cũng khiến DN lo ngại. Đáng chú ý, theo báo cáo “Đặc điểm môi trường kinh doanh Việt Nam - Kết quả điều tra DN nhỏ và vừa năm 2015”, chi phí không chính thức của các DN nhỏ và vừa giảm không đáng kể so với 2 năm trước đó là năm 2013. Khoảng 40% DN cho rằng những khoản chi này có khả năng tăng thêm trong các năm tiếp theo. Đây chính là một trong những rào cản lớn làm giảm sức “chiến đấu” của các DN nhỏ và vừa, trong đó có DN khởi nghiệp. 

 

Sản xuất ống nhựa tại một doanh nghiệp vừa ở quận Bình Thạnh Ảnh: CAO THĂNG

Ông Cao Thanh Bình, Ban Kinh tế Ngân sách HĐND TPHCM, nói thêm, một trong những nguyên nhân cản trở những người trưởng thành Việt Nam dấn thân khởi nghiệp chính là lo sợ thất bại. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia thì chỉ cần 10% công ty khởi nghiệp thành công, 20%-30% thất bại sớm, số còn lại 60%-70% là các công ty sống ì ạch trong một khoảng thời gian dài, gần như không tìm được hướng phát triển của mình. Để gia tăng số lượng người khởi nghiệp, một trong những nhiệm vụ cần làm là cần giảm nỗi lo sợ thất bại khởi nghiệp trong tâm trí những người trưởng thành của nước ta. Trong đó, Nhà nước tập trung hỗ trợ về pháp lý, nguồn vốn, nhất là môi trường văn hóa khởi nghiệp… cho các DN.

Bàn về DN khởi nghiệp, ông Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, cho rằng, ở Việt Nam có hai dạng khởi nghiệp là khởi sự mới và khởi nghiệp của DN. Trong một khảo sát định lượng được nhóm nghiên cứu của ông Huỳnh Thanh Điền thực hiện dựa trên khảo sát 104 DN tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 50 cơ sở kinh doanh ở TPHCM, cho thấy, có khoảng 73% cơ sở sản xuất không muốn chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức DN. Trong một khảo sát khác đối với 1.000 DN về việc có ý định đầu tư, mở rộng, phát triển mới DN hay không thì chỉ có 21% DN xác nhận có. Ngoài các nỗi lo về phí “bôi trơn”, môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh khiến DN nhỏ và vừa ưu tư chưa muốn lớn, thì “hệ sinh thái khởi nghiệp” hoạt động rời rạc cũng chính là nguyên nhân khiến DN thiếu mặn mà. “DN khởi nghiệp chẳng khác nào diễn viên xiếc đi trên dây thăng bằng, nên chỉ cần sơ ý là trả giá đắt. Do vậy, Nhà nước nên nghiên cứu, quan tâm sâu sát để hỗ trợ cho DN một cách thiết thực, hiệu quả nhất. Chẳng hạn, cần kết nối chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho từng đối tượng riêng, như DN nhỏ và vừa, sinh viên…”, ông Huỳnh Thanh Điền kiến nghị. 

Nguồn vốn là yếu tố sống còn 

Để khởi nghiệp thành công, ngoài ý tưởng thực tế, dự án khả thi, thì nguồn vốn là yếu tố sống còn. DN khởi nghiệp không thể “tay không bắt giặc”. Tuy vậy, những DN khởi nghiệp lại rất khó để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng Nhà nước… bởi hàng loạt rào cản. Nguyên nhân này được ông Trần Bửu Long, Phó Giám đốc Qũy Bảo lãnh tín dụng TPHCM lý giải: Thực tế, bối cảnh kinh tế, chính trị toàn cầu thay đổi khó lường, cộng với những yếu kém nội tại của nền kinh tế khiến nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn. Trong khi đó, nguồn lực ngân sách hạn chế nên việc DN nói chung trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách là cực kỳ khó khăn, chứ đừng nói đến các DN mới ra đời, còn non trẻ cũng trông chờ hỗ trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho rằng vừa qua UBND TPHCM đã có chương trình số 3907 để hỗ trợ DN TP khởi nghiệp, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp phát triển. Các yếu tố môi trường pháp lý, cơ chế chính sách, điều kiện ưu đãi, nguồn nhân lực… cũng được đặt ra. Tuy vậy, nguồn vốn cho các DN khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, đối chiếu với quy chế cho vay của ngân hàng với khách hàng thì ngân hàng rất khó thẩm định đối với các DN khởi nghiệp. Lý do, ý tưởng DN tuy mới mẻ nhưng thiếu kinh nghiệm, mức độ thành công không cao dễ dẫn đến rủi ro lớn. Hơn nữa, ngân hàng chưa đủ khả năng, nguồn lực để thẩm định tính hiệu quả của DN khởi nghiệp. Ngoài ra, hầu hết các DN khởi nghiệp đều không có tài sản đảm bảo. Trong thực tế, một số DN không có tài sản đảm bảo nhưng vẫn được vay rơi vào những DN có mối quan hệ tốt, được ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm cao… 

“Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Nhà nước cần hỗ trợ về mặt pháp lý, tạo điều kiện nhanh chóng cho phép thành lập các quỹ đầu tư khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi thành lập quỹ đầu tư cũng cần cho phép các ngân hàng tham gia đầu tư. Theo đó, các quỹ hỗ trợ sẽ đủ sức rót kinh phí cho các DN khởi nghiệp, đủ sức chịu đựng rủi ro… Thứ nữa, cần thành lập các trung tâm chuyên ngành thẩm định tính hiệu quả của các dự án khởi nghiệp, giúp DN tiếp cận vốn ngân hàng. Cần có cơ chế hỗ trợ hoạt động cho các DN khởi nghiệp. Ngoài ra, cần tổ chức các gói tín dụng ưu đãi cho các DN khởi nghiệp thuộc từng lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên…”, ông Nguyễn Hoàng Minh nói.

THI HỒNG/ Báo SGGP

LIÊN KẾT
FANPAGE