(HNM) - TP Hồ Chí Minh được xem là mảnh đất tiềm năng với các nhà đầu tư và phong trào khởi nghiệp. Mặc dù số lượng doanh nghiệp đông, nhưng nội lực còn yếu. Vì vậy, chiến lược phát triển doanh nghiệp của thành phố đặt ra yêu cầu không chỉ tăng về số lượng mà cần quan tâm chất lượng, với các giải pháp hữu hiệu để "nuôi dưỡng" doanh nghiệp lớn mạnh.
TP Hồ Chí Minh đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển doanh nghiệp. |
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có hơn 309.000 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn điều lệ hơn 3,5 triệu tỷ đồng. Mục tiêu UBND TP Hồ Chí Minh đặt ra, đến năm 2020 có ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hồ Chí Minh, để đạt con số này cần có trên 800.000 doanh nghiệp được thành lập - rất khó thực hiện trong ba năm tới.
Năm 2017, TP Hồ Chí Minh đặt ra chỉ tiêu thành lập mới 50.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ tiêu này có thể sẽ không đạt được. Năm 2018, thành phố đặt ra chỉ tiêu thành lập mới 46.000 doanh nghiệp. Việc hạ thấp chỉ tiêu cho thấy phát triển doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn, điển hình là thực trạng hộ kinh doanh "ngại" lên doanh nghiệp.
Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề: Một cơ sở cá thể gia công giày có cần thành lập doanh nghiệp hay không khi đơn hàng vẫn không tăng. Vì thế, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp để làm gì khi khả năng lớn mạnh không chắc chắn nhưng lại bị “hành” nhiều hơn?
Nhận định về môi trường đầu tư, kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho rằng, thủ tục hành chính trong giải quyết những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp còn rườm rà. Trong khi đó, tình trạng nhũng nhiễu, làm khó cũng như chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng.
Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho biết, đa số doanh nghiệp của thành phố thuộc dạng nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 93,6% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn). Điều này đặt ra vấn đề, không chỉ phát triển doanh nghiệp về số lượng mà còn phải quan tâm chất lượng, phải có những giải pháp "nuôi dưỡng" doanh nghiệp lớn mạnh.
Về nguồn phát triển doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Điền, Viện Nghiên cứu khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp (thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh) cho rằng, có ba nguồn cơ bản, gồm: Doanh nghiệp khởi nghiệp; chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp; doanh nghiệp hiện có phát triển thêm doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, hai trong ba nguồn này có tỷ lệ thành công thấp, chỉ có thành lập mới từ doanh nghiệp đã có sẵn thì tỷ lệ thành công cao hơn bởi họ đã có kinh nghiệm, sự nhạy bén với thị trường.
Để phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, cần tập trung vào hai nhóm chính sách khuyến khích thành lập và "nuôi dưỡng" doanh nghiệp. Theo ông Huỳnh Thanh Điền, các chính sách này tại TP Hồ Chí Minh đã có, nhưng để đi vào cuộc sống, cần tập trung đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Tuệ cho rằng, cần xóa bỏ nhiều giấy phép con, cắt bỏ quy trình thủ tục không cần thiết nhằm nâng vai trò tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp...
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình, trước mắt thành phố cần tập trung cải thiện các chỉ tiêu thành phần đang có điểm thấp như chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính minh bạch, đào tạo lao động, gia nhập thị trường... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, huy động triệt để mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế của thành phố.