Những “cái được” của Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp

Date: - View: 1176 - By:
Những “cái được” của Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp
 
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (bên phải). Ảnh: C.Trúc

Người khởi nghiệp (KN) có ý tưởng, chính quyền cùng với chuyên gia giúp tư vấn phát triển ý tưởng thành mô hình kinh doanh và tạo mọi điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh KN là điểm sáng xuyên suốt của Chương trình Đồng khởi KN và phát triển doanh nghiệp (DN) đang được triển khai rất tích cực tại Bến Tre.

 

Trong quá trình đi tư vấn cho các chương trình KN ở các địa phương, Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN được triển khai ở tỉnh Bến Tre để lại cho tôi nhiều ấn tượng bởi tính cụ thể, thiết thực theo phương châm Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng đồng hành cùng DNKN.

Hợp lực khởi nghiệp

Mục tiêu hướng đến của chương trình không chỉ là thúc đẩy KN đổi mới sáng tạo, mà còn quan tâm đến KN thoát nghèo bền vững. Chương trình xác định 3 đối tượng chính trong KN bao gồm: khởi sự mới, hộ kinh doanh chuyển lên DN và DN phát triển mới. Biện pháp chung nhất trong thúc đẩy KN là tạo ra được môi trường kích thích cơ hội hình thành những ý tưởng KN, tư vấn phát triển ý tưởng thành mô hình kinh doanh, ươm tạo DNKN và tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.

Để tạo ra môi trường thúc đẩy ý tưởng KN, chương trình làm khá tốt việc thúc đẩy tinh thần thông qua các cuộc thi tìm kiếm ý tưởng, xây dựng đội ngũ DN dẫn dắt thị trường, công nghệ; các chính sách hỗ trợ mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại, hỗ trợ công nghệ, đào tạo nhân lực, Quỹ hỗ trợ KN, kết nối ngân hàng vay vốn và kết nối đối tác kinh doanh. Mỗi nhóm chính sách đều được xác định đối tượng hưởng lợi cụ thể (DNKN thông thường, KN sáng tạo, hộ cá thể chuyển lên DN…) và đối tượng chịu trách nhiệm chính, phối hợp thực hiện chính sách (cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng, hợp tác xã, tổ hợp tác và các hội DN, Quỹ đầu tư KN). 

Rất nhiều trường hợp có ý tưởng KN nhưng không rõ ràng về mô hình kinh doanh, cũng như người KN không biết bắt đầu từ đâu. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) sẽ khảo sát, tư vấn lập dự án, xây dựng kế hoạch kinh doanh. Nếu xét thấy dự án khả thi, tùy vào điều kiện của mỗi dự án sẽ tiếp tục tư vấn tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn, kết nối ngân hàng, hỗ trợ công nghệ...

Tư vấn cho hộ kinh doanh nhận biết lợi ích, chỉ rõ những trường hợp nên chuyển lên DN để có điều kiện phát triển hơn, được Nhà nước hỗ trợ thuận lợi hơn. Đồng thời, hỗ trợ thủ tục chuyển lên DN với thời gian thực hiện chỉ trong 1 ngày và hoàn toàn miễn phí, cũng như đào tạo về quản trị cho DN mới chuyển đổi. 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN là một chuỗi các hoạt động có mối liên hệ mật thiết với nhau. Sản phẩm của DN này là đầu vào của DN khác nên rất cần có sự liên kết để nâng cao chuỗi giá trị. Bến Tre đã và đang thực hiện định hướng liên kết theo chuỗi giá trị của các nhóm ngành ngày càng phát huy tốt hiệu quả. Chẳng hạn như các sản phẩm làm từ nguồn nguyên liệu của trái dừa: DN sản xuất sản phẩm từ cơm dừa bán gáo dừa cho DN làm than, bán vỏ dừa cho DN làm chỉ xơ dừa; DN làm chỉ xơ dừa bán mụn dừa cho DN làm phân bón… Nhờ vào định hướng đó, tạo ra nhiều cơ hội KN sử dụng từ nguồn nguyên liệu dừa rất dồi dào ở Bến Tre.

Mặt khác, nhiều sản phẩm truyền thống như bưởi da xanh, bánh phồng Sơn Đốc, bánh tráng Mỹ Lồng… là các sản phẩm có thương hiệu khá tốt trên thị trường nhưng chưa vươn xa được, tỉnh đã tập hợp các cơ sở sản xuất, hộ cá thể, DN hoạt động trong lĩnh vực này vào hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao lợi thế theo quy mô, tránh cạnh tranh làm giảm chất lượng, uy tín, nâng cao vị thế đàm phán với nhà phân phối nhằm phát triển xa hơn. Khi tập hợp được các nhà sản xuất, tỉnh thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối với các hệ thống phân phối giúp ổn định đầu ra và gia tăng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm truyền thống.

Tăng cường kết nối

Bên cạnh đó, Chương trình Đồng khởi KN và phát triển DN đã kêu gọi được các DN lớn đóng góp vào Quỹ hỗ trợ KN để đầu tư ươm tạo cho các dự án KN. Các dự án khả thi, có tính sáng tạo được hội đồng thẩm định quyết định mức đầu tư cho dự án. Các dự án đầu tư từ nguồn quỹ này được chuyên gia đồng hành tư vấn, trợ giúp trong giai đoạn đầu nhằm gia tăng khả năng thành công và giúp DNKN làm ăn bài bản ngay từ đầu.

Nguồn vốn từ ngân hàng luôn rất quan trọng đối với các DNKN, nhưng DN thường khó tiếp cận. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và KN thực hiện các chương trình hỗ trợ, tư vấn lập dự án, đánh giá tính khả thi, kiện toàn công tác quản trị và hệ thống sổ sách cho DN. Đồng thời, kết nối DN với ngân hàng thực hiện cho vay và đồng hành cùng DN để đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo khả năng trả nợ.

Có thể nói, các hoạt động của chương trình ngày càng rõ nét, đi vào thực chất với những hoạt động cụ thể, thiết thực, đang từng bước tạo tiền đề, nền tảng vững chắc thúc đẩy và ươm tạo DNKN. Nhiều ý tưởng KN đã được thực hiện, niềm tin của cộng đồng KN vào sự đồng hành của chính quyền ngày càng được nâng cao. Hy vọng một ngày không xa, Bến Tre sẽ xây dựng được cộng đồng DN phát triển vững mạnh.

Thực tiễn đã chứng minh, sự giàu có và phồn vinh của mỗi địa phương có vai trò rất lớn của chính quyền. Nơi nào chính quyền quan tâm đến DN và đồng hành cùng DN, thì nơi đó sẽ có nhiều ý tưởng được hiện thực hóa, xuất hiện nhiều DNKN. Nơi nào tinh thần KN cao, có thể biến những thứ trước đây từ bỏ đi nay là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng để sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ xã hội.

 

TS Huỳnh Thanh Điền

LIÊN KẾT
FANPAGE