Ngày 21/2, ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết nhà máy đang tồn kho hàng chục ngàn tấn đường và đang được tỉnh Hậu Giang kêu gọi tiêu thụ để “giải cứu”. Theo đó, Casuco đang tồn kho khoảng 30.000 tấn đường, trong khi hiện nay giá đường dao động 12.000-12.500 đồng/kg, mức giá này là rất thấp nhưng sản phẩm vẫn rất khó tiêu thụ.

Giá đường trên thị trường và giá mía nguyên liệu đang giảm mạnh khiến đường trong nước sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Ảnh minh họa.

Giá đường trên thị trường và giá mía nguyên liệu đang giảm mạnh khiến đường trong nước sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Ảnh minh họa.

Từ chuyện của “đường” nói riêng…

 

Nguyên nhân lớn nhất được các chuyên gia chỉ ra là do nhập lậu đường tràn lan gây khó khăn cho việc tiêu thụ đường trong nước nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được. Đây là một vấn nạn lớn đối với ngành mía đường

Bên cạnh đó, từ 1/1/2018 hạn ngạch nhập khẩu đường được dỡ bỏ, thuế xuất nhập khẩu đường từ các nước trong khu vực ASEAN còn bằng 0%. Nhất là đường từ Thái Lan với giá rẻ hơn đường Việt Nam ồ ạt đổ bộ vào “hạ đo ván” doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà.

Chứng kiến những “đứa con” của mình đang “thoi thóp”, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường đến năm 2022, thay vì sẽ thực hiện từ đầu năm 2018 như cam kết.

Thế nhưng, dưới góc nhìn của người tiêu dùng nói chung, trước khi “kêu cứu” thì Hiệp hội Mía đường cần phải tự xét lại bản thân mình. Tại sao giá thành đường của Thái Lan nhập vào tới Việt Nam mà giá thành vẫn thấp hơn của ta sản xuất tại chỗ? Người tiêu dùng cần những hàng có chất lượng và giá thành hợp lý. Sản phẩm nào chất lượng tốt hơn, giá thành thấp hơn thì người tiêu dùng lựa chọn mua, bất kể sản phẩm đó đến từ nước nào.

Thật sự mà nói, ngành mía đường sẽ chết khi thuế suất về 0 đồng, đằng sau là các hộ người dân trồng mía sẽ từ bỏ loại cây này, vì giá bấp bênh. Vì vậy, lời kêu gọi “giải cứu” của Chính quyền tỉnh Hậu Giang lúc này chỉ mang giải pháp tạm thời.

…. Đến mặt hàng nông sản nói chung

 

Sự “bế tắc” của các mặt hàng nông sản, trong đó có mía đường  được TS Huỳnh Thanh Điền chỉ ra rằng: “Chỉ đến khi phát hiện ra hiện tượng dư thừa (cung vượt cầu) thì mới phát động các chương trình giải cứu, triển khai các giải pháp và do vậy giải pháp chỉ mang tính chất ứng phó, tạm thời; thiếu đồng bộ và lâu dài”. 

Nghĩa là, câu chuyện “giải cứu” đường không có gì mới vì trước đó, không ít những đợt “giải cứu” đã từng diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có cả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây hàng đầu cả nước. Ví như, chuyện “giải cứu” hành tím ở tỉnh Sóc Trăng hay khoai lang của tỉnh Vĩnh Long, thanh long ở tỉnh Cà Mau vẫn còn khá mới và nóng..v..v.

Sở dĩ nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị rơi vào tình trạng “bán không ai mua, cho không ai lấy”, ngoài nguyên nhân đã chỉ ra ở ngành mía đường nói riêng thì chúng ta còn thấy do một số điểm cơ bản như sau:

Về tâm lý sản xuất: Nhìn chung, khi thấy một mặt hàng nông sản nào đó xuất khẩu tốt, có giá tăng, lập tức nông dân đua nhau ồ ạt mở rộng diện tích mà hoàn toàn không nắm bắt tình hình diễn biến của thị trường và sau đó rơi vào... thế bí. Cách sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhất là làm ăn thiếu liên kết đã được nhận diện từ nhiều năm qua. Người nông dân phải “tự bơi” trên mảnh đất canh tác của mình.

Về công nghệ bảo quản sau thu hoạch và thị trường: Chúng ta dường như chưa có những công nghệ hiện đại để bảo quản nông sản. Trong khi đó, việc xây dựng các kênh phân phối nông sản cho người nông dân vẫn chưa thực hiện tốt dẫn đến những “cú sốc” đối với người nông dân.

Về trách nhiệm quản lý: Nói gì thì nói, chúng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế không vui là vai trò của Nhà nước trong một số lĩnh vực sản xuất chưa cao mới để cho người dân dễ phá quy hoạch sản xuất. Mà cụ thể là Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, thấp hơn là Chính quyền địa phương nơi xảy ra tình trạng cần “giải cứu”.

Vai trò điều tiết của Nhà nước

Thực trạng dư thừa nông sản đến mức cần “giải cứu” như thời gian qua cũng cho thấy quản lý nhà nước đã có phần buông lỏng việc dự báo tương quan cung và cầu để cảnh báo cho người nuôi trồng, sản xuất. Dù đã từng có một số Hội nghị lấy ý kiến về giải pháp phát triển bền vững cho ĐBSCL, nhưng rốt cuộc chỉ tồn tại trên giấy.

Tức là, vai trò điều tiết của Nhà nước rất quan trọng kể cả trước hay sau chuyện “giải cứu” nông sản.

Một là, với cách mạng công nghiệp 4.0 thì Cơ quản quản lý cần phải nhanh chóng, kịp thời xây dựng các phần mềm tổng hợp, phân tích thông tin tương quan giữa cung và cầu để cảnh báo cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến.

Hai là, ngành Nông nghiệp còn hạn chế trong thúc đẩy xuất khẩu nông sản, gia tăng giá trị và thương hiệu. Muốn vậy, phải tập trung được đất đai để tạo nền tảng cho nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đất đai phải được sử dụng lâu dài để nông dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư có chiều sâu.

Ba là, tăng cường thúc đẩy sự liên kết giữa các chủ thể: gồm nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua, phân phối và các đơn vị hỗ trợ công nghệ, quản lý nhà nước thực hiện các khâu từ tạo giống, canh tác/nuôi trồng, thu hoạch, sau thu hoạch (bảo quản, đóng gói, bao bì), phân phối. 

Bốn là, cần xác định chủ thể giữ vai trò dẫn dắt mạng lưới liên kết. Trong đó có vai trò, vị trí và lợi ích của mỗi chủ thể trong mạng lưới liên kết cũng cần được xác định rõ ràng.

Năm là, các địa phương vùng ĐBSCL cũng cần chủ động có chính sách rõ ràng, ưu đãi, khích lệ hơn để tạo sự hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Tóm lại, ở bất kì giai đoạn nào, ĐBSCL cũng được coi là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây hàng đầu cả nước. Nên chuyện “giải cứu” 30.000 tấn đường nói riêng, đến chuyện “bế tắc” của nhiều mặt hàng nông sản nói chung, nó phải khiến cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần suy nghĩ, xem xét một cách thấu đáo để cho nông dân không còn cảnh “được mùa mất giá”, từ đó góp phần tăng cường “sức khỏe” cho nền kinh tế.