Nâng tầm doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh - Bài 1: Đông nhưng chưa mạnh

Date: - View: 1342 - By:

Sự cộng hưởng của các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp với phong trào khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh bước đầu đã giúp gia tăng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, nội lực và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp mới chưa được cải thiện. 

Để nâng tầm cả lượng và chất cho cộng đồng doanh nghiệp đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ hơn nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của chính sách; đồng thời phát huy tối đa khả năng vận dụng nội lực để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp 

Các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân đang chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh và không ngừng gia tăng về số lượng. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều vấn đề nội tại cần được giải quyết. 

"Khát" vốn 

Nếu nói doanh nghiệp cần vốn giống như cơ thể người cần máu để duy trì sự sống thì hiện nay rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang “sống” trong tình trạng thường xuyên bị “thiếu máu”. 

Tính tới tháng 8/2017, TP Hồ Chí Minh có hơn 309.000 doanh nghiệp; trong đó, có 305.000 doanh nghiệp tư nhân. Xét về quy mô, gần 99% doanh nghiệp thành phố có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, chỉ hơn 1% doanh nghiệp có quy mô lớn. 

Công ty CP công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: An Hiếu/TTXVN 

Số liệu thống kê của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho thấy, hiện có gần 192.000 doanh nghiệp trên địa bàn đang nộp thuế. Con số này cho thấy, số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có lãi chỉ chiếm khoảng 62% trên tổng số doanh nghiệp hiện có. 

Nhận định về thực trạng phát triển doanh nghiệp, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Viện nghiên cứu Khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp (Leadman) cho rằng, số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, TP Hồ Chí Minh nói riêng đang tăng đều qua từng năm nhưng nội lực, khả năng phát triển dài hơi còn rất hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp đang phải đối mặt với vòng tròn luẩn quẩn từ thiếu vốn - khó tiếp cận tín dụng - khó đầu tư cải tiến công nghệ - năng lực cạnh tranh kém - hiệu quả kinh doanh thấp - khó tích tụ vốn để duy trì và mở rộng hoạt động. 

Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng lên nhờ chính sách khuyến khích khởi nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh của thành phố. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có không ít doanh nghiệp đã phá sản hoặc tạm dừng hoạt động vì không đủ lực để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh có hơn 18.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng hơn 40% trong số đó chưa đi vào hoạt động. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, vốn đăng ký trung bình của một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 7,6 tỷ đồng. Đây là số vốn quá nhỏ để doanh nghiệp có thể vừa đầu tư mua sắm thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, vừa chi trả tiền lương cho lao động; đồng thời xây dựng, quảng bá thương hiệu để tiếp cận thị trường. 

Kết quả khảo sát của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, có khoảng 55% doanh nghiệp thường xuyên gặp khó khăn về tài chính và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, họ thường xuyên cần vốn trung hạn và dài hạn để đầu tư vào thiết bị, công nghệ sản xuất nhưng lại rất khó tiếp cận các quỹ hỗ trợ hay các gói vay ưu đãi. Muốn duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp buộc phải huy động các nguồn vốn bên ngoài với lãi suất cao. 

Trên thực tế, để gia tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến tín dụng. Bên cạnh việc cung cấp vốn trực tiếp, nhiều quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương đã được thành lập. Tuy nhiên, hiệu quả kết nối với tổ chức tín dụng lại không được như kỳ vọng của quỹ và doanh nghiệp. 

Đơn cử như trường hợp Qũy bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hồ Chí Minh (HCGF), được thành lập từ năm 2007,  đến năm 2014 chỉ mới bảo lãnh cho 120 lượt doanh nghiệp; trong đó, chỉ có 59 doanh nghiệp được bảo lãnh vay vốn. Từ năm 2014 đến nay, HCGF đã ngừng bảo lãnh cho vay mới. 

Ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hồ Chí Minh cho biết, quỹ bảo lãnh tính dụng ra đời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, không có tài sản thế chấp có thể vay vốn dưới hình thức tín chấp. Thế nhưng, các quy định hiện nay lại yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp mới được bảo lãnh. 

Thêm vào đó, quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động không vì lợi nhuận nhưng lại phải gánh trách nhiệm rất nặng nề. “Khi bảo lãnh cho doanh nghiệp, chúng tôi không được lợi ích gì, nhưng nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ thì những người làm việc ở quỹ lại phải đối mặt với thanh tra, kiểm tra, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm. Vậy thì làm sao chúng tôi dám đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh cho doanh nghiệp?” - ông Trần Bửu Long băn khoăn. 

Nan giải nguồn nhân lực 

Bên cạnh vốn, nhân lực được xem là yếu tố quyết định đến sự thành bại của các doanh nghiệp. Không những vậy, đây cũng là vấn đề khiến không ít doanh nghiệp phải “đau đầu” hiện nay. 

Bà Trịnh Thị Thanh Hà - đại diện Công ty Hervey Nash Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp ngành công nghệ thông tin, điện tử là rất lớn, tuy nhiên số lượng sinh viên đáp ứng được yêu cầu làm việc lại quá ít so với nhu cầu thực tế. Dẫn chứng trường hợp của Công ty Hervey Nash Việt Nam, để tuyển dụng 500 nhân viên, công ty đã nhận hơn 900 hồ sơ của ứng viên. Tuy nhiên, qua sàng lọc, chỉ có 30 người đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để bắt đầu thử việc. 

Trong khi các doanh nghiệp ngành công nghệ thiếu nhân sự vì yêu cầu lao động chất lượng cao thì ngược lại nhiều doanh nghiệp ngành gia công cơ khí lại lao đao vì bị lao động “chê”. Ông Nguyễn Ngân Hải, đại diện Công ty cổ phần Thái Hưng Thịnh, quận 9, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ hiện nay rất khó tuyển và giữ chân lao động. Thực tế tại Công ty Thái Hưng Thịnh, số lượng công nhân đang giảm sút nghiêm trọng, từ gần 200 người xuống còn 50 người do nhiều lao động tự ý nghỉ việc. Số công nhân có thâm niên làm việc trên 5 năm và có ý định gắn bó lâu dài với công ty hiện chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. 

Theo ông Nguyễn Ngân Hải, hiện tượng trên không chỉ diễn ra với công ty của ông mà là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện nay. Nguyên nhân là do số lượng lao động phổ thông tại thành phố ngày càng ít lại có nhiều lựa chọn công việc khác nhau. Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ thường không có nguồn lực để thường xuyên nâng lương và gia tăng phúc lợi cho công nhân. Chính vì vậy, nhiều người lao động có tâm lý chỉ làm việc “cầm chừng” ở doanh nghiệp nhỏ để chờ cơ hội nhảy việc sang các công ty có quy mô lớn hơn. 

Không chỉ thiếu nhân viên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay còn thiếu cả những “chiến lược gia” có khả năng quản trị doanh. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ chưa hoạch định được chiến lược phát triển, định hướng tầm nhìn dài hạn trong việc sử dụng nguồn lực, nghiên cứu sản phẩm, xây dựng thương hiệu giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường. 

Theo ông Trần Việt Anh, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động theo mô hình công ty gia đình, có xu hướng khoanh vùng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do hạn chế nguồn lực và không có định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu nên rất ít doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ, nghiên cứu thị trường để đưa ra những sản phẩm có chất lượng và giá trị gia tăng cao. 
Xuân Anh (TTXVN)
LIÊN KẾT
FANPAGE