Mở ra chân trời mới cho phát triển đô thị, nhà ở và hạ tầng công nghiệp

Date: - View: 5 - By:

Reatimes

LINK GỐC

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM), Nghị quyết 68-NQ/TW là một dấu mốc đặc biệt quan trọng, không chỉ khẳng định vai trò chủ lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân, mà còn mở ra dư địa cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn cốt lõi, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản - nơi đã "nghẽn mạch" suốt nhiều năm qua.

"Từ góc độ thị trường bất động sản, tôi cho rằng Nghị quyết 68 mang lại một luồng sinh khí rất đáng kỳ vọng vì đã đánh trúng các điểm nghẽn căn cơ, đặc biệt là vấn đề tiếp cận đất đai. Trên thực tế, quỹ đất phát triển hiện chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị cổ phần hóa, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp rất nhiều khó khăn khi muốn triển khai dự án lớn. Giờ đây, với định hướng mở rộng tiếp cận nguồn lực một cách công bằng, minh bạch, cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân sẽ được mở rộng rõ rệt", ông phân tích.

TS. Huỳnh Thanh Điền cũng cho rằng, Nghị quyết 68 tạo điều kiện hình thành những tập đoàn bất động sản tư nhân có tiềm lực tài chính mạnh, có khả năng huy động vốn và thực hiện các dự án quy mô lớn. Khi hành lang pháp lý trở nên rõ ràng hơn, rào cản được tháo gỡ, đặc biệt trong tiếp cận đất đai và tín dụng, doanh nghiệp tư nhân sẽ dễ dàng huy động vốn - cả từ hệ thống ngân hàng lẫn thị trường đầu tư. Khi đó, nhiều chủ đầu tư sẽ tham gia thị trường, giúp nguồn cung bất động sản tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, tạo sức lan tỏa tích cực đến toàn thị trường, thúc đẩy sự phát triển cân bằng và bền vững.

Ngoài ra, theo TS. Điền, Nghị quyết 68 còn khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong đổi mới sáng tạo. "Khu vực tư nhân với quyền sở hữu rõ ràng và động lực lợi nhuận đủ mạnh mới sẵn sàng đầu tư vào các mô hình mới như bất động sản xanh, tuần hoàn, khu đô thị thông minh. Đây là xu hướng tất yếu trong phát triển đô thị hiện đại", ông nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết thêm, một điểm then chốt trong Nghị quyết 68 là tiếp tục nhấn mạnh đến yêu cầu khơi thông nguồn lực đất đai - yếu tố đầu vào đặc biệt quan trọng đối với phát triển khu vực tư nhân trong các lĩnh vực bất động sản, công nghiệp, logistics, hạ tầng và du lịch.

"Nghị quyết 68 nhấn mạnh khơi thông nguồn lực đất đai là hoàn toàn đúng đắn. Đây là điều kiện tiên quyết để thiết lập một môi trường đầu tư minh bạch, thông suốt, hiệu quả, giúp doanh nghiệp tư nhân yên tâm bỏ vốn dài hạn, đóng góp cho tăng trưởng bền vững", TS. Điền nhận định.

TS. Huỳnh Thanh Điền

Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM)

"Từ góc độ thị trường bất động sản, tôi cho rằng Nghị quyết 68 mang lại một luồng sinh khí rất đáng kỳ vọng vì đã đánh trúng các điểm nghẽn căn cơ, đặc biệt là vấn đề tiếp cận đất đai. Trên thực tế, quỹ đất phát triển hiện chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị cổ phần hóa, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp rất nhiều khó khăn khi muốn triển khai dự án lớn. Giờ đây, với định hướng mở rộng tiếp cận nguồn lực một cách công bằng, minh bạch, cơ hội phát triển cho khu vực tư nhân sẽ được mở rộng rõ rệt".

Để hiện thực hóa chủ trương của Nghị quyết 68, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thực sự phục hồi, TS. Huỳnh Thanh Điền đề xuất một loạt giải pháp mang tính nền tảng, khả thi trong ngắn và trung hạn:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là các luật liên quan đến đất đai và đầu tư. Luật Đất đai mới là một bước tiến, nhưng hiệu quả thực tế phụ thuộc lớn vào các văn bản dưới luật. Cốt lõi là cần xác lập quyền sử dụng đất rõ ràng, ổn định và lâu dài cho khu vực tư nhân. Khi đất trở thành tài sản có thể thế chấp, huy động vốn, doanh nghiệp mới có động lực phát triển.

Thứ hai, chuyển từ tư duy tiền kiểm sang hậu kiểm. Thay vì duy trì cơ chế xin - cho, nên thiết lập bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm và tuân thủ. Điều này không chỉ giảm thủ tục hành chính mà còn tạo điều kiện cho sự sáng tạo và linh hoạt trong triển khai dự án.

Thứ ba, thay đổi cách tiếp cận đất công. Hiện nay, nhiều khu đất vàng ở đô thị bị lãng phí - từ trụ sở cũ, kho bãi đến trường học - không được khai thác hiệu quả. Thay vì để "đất chết", nên tổ chức đấu giá công khai hoặc hợp tác công - tư để phát triển các trung tâm thương mại, nhà ở, dịch vụ chất lượng cao. Khai thác hiệu quả đất công không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thứ tư, cải cách quy hoạch và cơ chế liên kết vùng. Việc sáp nhập đơn vị hành chính cần gắn với quy hoạch sử dụng đất có tầm nhìn. Các tuyến hạ tầng mới phải đi kèm quy hoạch đồng bộ, tạo điều kiện cho tư nhân đầu tư nhanh, giảm chi phí không chính thức.

Thứ năm, phát triển thị trường tài chính, nhất là vốn ngoài ngân hàng. Đất đai chỉ trở thành nguồn lực thực sự khi được "chuyển hóa" thành vốn thông qua trái phiếu, chứng khoán hóa quyền sử dụng đất, quỹ đầu tư bất động sản (REIT)... Đồng thời, cần cải cách chính sách thuế để khuyến khích sử dụng đất hiệu quả - ví dụ đánh thuế cao với đất bỏ hoang và ưu đãi với dự án sử dụng hiệu quả, tạo nhiều giá trị xã hội.

"Niềm tin thị trường sẽ được củng cố nếu chính sách được cụ thể hóa bằng những quy định rõ ràng, minh bạch, nhất quán. Khi đó, dòng vốn tư nhân sẽ quay trở lại, tạo ra chu kỳ phục hồi mới cho thị trường bất động sản. Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn mà còn mở ra một 'chân trời mới' cho phát triển đô thị, nhà ở và hạ tầng công nghiệp - những lĩnh vực đang rất cần một cú hích thể chế để bứt tốc", TS. Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Nghị quyết 68 không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mà còn hướng tới giải phóng nguồn lực đất đai bị lãng phí - bao gồm đất công, trụ sở cơ quan không sử dụng, đất vướng tranh chấp hoặc các vụ án kéo dài. Đồng thời, có chính sách cho thuê nhà, đất là tài sản công chưa sử dụng tại địa phương cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Những giải pháp này nếu được thực thi nghiêm túc sẽ mở ra nguồn cung mặt bằng dồi dào với chi phí hợp lý - điều doanh nghiệp tư nhân đang rất cần lúc này.

Nghị quyết 68 thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân: từ "khuyến khích" sang "thúc đẩy mạnh mẽ", từ "tạo điều kiện" sang "chủ động gỡ vướng". Với các chính sách thiết thực và quyết liệt như trong lĩnh vực đất đai, mặt bằng sản xuất, kỳ vọng lớn nhất là khơi thông điểm nghẽn, mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân tăng tốc - không chỉ là trụ cột mà còn là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa./.

LIÊN KẾT
FANPAGE