Khởi sắc bức tranh xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018

Date: - View: 1235 - By:

 

NTD) - Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa của Việt Nam đạt 225,29 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó xuất khẩu ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu ước tính 111,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù có nhiều tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm nhưng đây vẫn chưa là điều hoàn toàn đáng mừng khi tổng quan lĩnh vực XNK vẫn còn nhiều thách thức trong nửa cuối năm còn lại thời gian sắp tới.

Tín hiệu vui nửa đầu năm 2018

Về xuất khẩu hàng hóa, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 113,93 tỷ USD mặc dù tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 và bằng 48% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Các ngành xuất khẩu chủ lực như: Linh kiện điện tử, máy vi tính, dệt may, giày dép, nông lâm thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ… vẫn tiếp tục dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 của nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 22,5 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,45 tỷ USD, hàng dệt, may 13,42 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD). Nhóm hàng nông sản, thủy sản: Ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD; hạt điều và gạo ước có mức tăng trưởng cao cả về lượng và kim ngạch: Hạt điều ước tăng 18,0% về lượng và 17,6% về kim ngạch, đạt trị giá 1,41 tỷ USD, gạo ước tăng 44,3% về kim ngạch và 26,2% về lượng, đạt trị giá 1,84 tỷ USD. Riêng mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗkim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt cũng gặt hái nhiều thành công với hơn 4,33 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời là ngành xuất siêu cao nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp với giá trị 3,23 tỷ USD.

Số liệu từ Tổngcục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 1 mặt hàng so với cùng kỳ năm ngoái và 20 nhóm hàng này chiếm 85,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

container
Container. (Ảnh: inetrnet).

Chuyển biến trong các ngành hàng xuất khẩu tỷ USD?!?

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018,nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 56,5 tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước; chiếm 49,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó: Nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,4% và chiếm 19,7%.Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 42,3 tỷ USD, tăng 13,8% và chiếm 37,1%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, tăng 12% và chiếm 9,8%. Nhóm hàng thủy sản hơn 3,9 tỷ USD, tăng 11% và chiếm 3,5%.

21751432_10208166857769026_1137529438773536209_n

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - Chuyên gia kinh tế. (Ảnh: NVCC).

Thị trường hàng hóa xuất khẩu 6 tháng

Theo TS. Phạm Văn Chắt, Báo cáo viên Bộ Công thương về Hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian qua Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới nên trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường chủ lực vẫn tiếp tục tăng trưởng. Cụ thể, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 21,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó hàng dệt may tăng 9,9%; điện thoại và linh kiện tăng 8,6%. Tiếp đến là EU đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12,3%, trong đó máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 16,6%; điện thoại và linh kiện tăng 16,5%. Xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 28%, trong đó điện thoại và linh kiện gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 33%; rau quả tăng 20,1%. Riêng với thị trường ASEAN đạt 12,2 tỷ USD, tăng 17,4%, trong đó gạo tăng 244,1%; sắt thép tăng 51,2%; điện thoại và linh kiện tăng 9,2%, Nhật Bản đạt 9 tỷ USD, tăng 12,5%, trong đó hàng dệt may tăng 23,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 3,7%. Hàn Quốc đạt 8,6 tỷ USD, tăng 31,8%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 56,8%; điện thoại và linh kiện tăng 31,1%; hàng dệt may tăng 22,7%.

Lý giải cho sự tăng trưởng đáng mừng này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho biết, những con số tăng trưởng này là xu thế tất yếu và cũng là tầm nhìn chung của toàn nền kinh tế vốn đã đề ra từ trước. Bởi theo chỉ đạo của Chính phủ cơ cấu xuất khẩu phải tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xuất khẩu các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chỉ còn chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong nửa đầu năm nay (năm 2017 chiếm 2,5%), giảm so với 2,5% của 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu của công nghiệp chế biến, chế tạo và của nhóm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện, đạt lần lượt là 81,9% và 11,8% trong 6 tháng đầu năm nay (tỷ lệ này năm 2017 lần lượt là 80,2% và 12,5%).

1hanglau

Hải quan kiểm tra các lô hàng nhập khẩu. (Nguồn báo Hải Quan).

Tăng cường kiểm soát nhập khẩu

Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.

Nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; nhiên liệu, khoáng sản và các nguyên phụ liệu, thiết bị, nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp đều ước đạt mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2018 (ngoại trừ hạt điều ước giảm 19,6% về lượng và 10,6% về kim ngạch; nguyên, phụ liệu thuốc lá ước giảm 5,5% về kim ngạch; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước giảm 7,3% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện ước giảm 4,4% về kim ngạch; phôi thép ước giảm 31,8% về lượng và 16,1% về kim ngạch). Máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19,70 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ.

Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 16,15 tỷ USD, là một trong những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao trong nhóm hàng cần thiết phải nhập khẩu. Tuy nhiên, do nhập khẩu mặt hàng này trong những tháng đầu năm 2017 tăng rất mạnh nên ước nhập khẩu lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 vẫn giảm 7,3% khi so sánh với cùng kỳ.

Nhập khẩu ô tô sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm (tháng 1 nhập khẩu 340 chiếc, trong đó 17 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi; tháng 2 nhập khẩu 222 chiếc, trong đó, 14 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi) thì đã bắt đầu có tăng trở lại trong tháng 3 (nhập khẩu 3.676 chiếc, trong đó, 3.077 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi). Tuy nhiên, lượng ô tô nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ dần trong tháng 4, tháng 5 và ước giảm mạnh trong tháng 6 (ước nhập khẩu 2.200 chiếc, trong đó, 1.500 xe dưới 9 chỗ ngồi). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam ước đạt 11.273 chiếc. Trong đó lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam ước đạt 8.315 chiếc, trị giá đạt 188 triệu USD, giảm 68,6% về lượng và 58,0% về kim ngạch.

Trong nhóm mặt hàng cần kiểm soát, một số mặt hàng nhập khẩu tăng đáng chú ý: Rau quả ước nhập khẩu 757 triệu USD, tăng 18,9%; phế liệu sắt thép ước nhập khẩu 890 triệu USD, tăng 52,7%.

HINH-KEM-BAI-XK-DBSCL
Ảnh chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Kim Ngọc).

Tỷ trọng nội địa và FDI vẫn còn chênh lệch lớn

Theo ông Phạm Văn Chắt: “Hiện nay năng lực tiếp cận và phát triển thị trường của doanh nghiệp trong nước vẫn khó khăn và yếu kém”. Bởi theo số liệu công bố của Bộ Công thương, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%, nhưng nhập khẩu 46,01 tỷ USD, tăng 12,9%, nhập siêu 12,94 tỷ USD. Còn đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất đạt 80,86 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,5%, trong khi nhập 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%, xuất siêu 15,65 tỷ USD.

Lý giải thêm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều vào FDI. Trong thời gian qua nhiều địa phương có rất nhiều chính sách thu hút FDI với nhiều ưu đãi về mặt bằng, thuế thu nhập doanh nghiệp… cũng như chính quyền các địa phương rất năng động trong kiến tạo dự án thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kèm với giữ vững ổn định chính trị. Đây là những yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên sự hấp dẫn FDI.

Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) trong nước chưa kết nối được với FDI, phần lớn các yếu tố đầu vào, sản phẩm phụ trợ phục vụ sản xuất cho FDI là nhập khẩu. Điều này rất dễ nhận thấy qua việc quốc gia nào có FDI tại Việt Nam nhiều thì Việt Nam nhập khẩu nhiều từ quốc gia đó. Đồng thời còn chưa tạo được sự kết nối giữa DN nội với DN FDI là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế vẫn còn thiếu nền tảng vững chắc cho tăng trưởng. Bởi FDI không “bám rễ” được ở Việt Nam sẽ có nguy cơ rất dễ rút vốn, chuyển nhà máy đi nơi khác khi Việt Nam không còn nhưng ưu đãi hấp dẫn đối với họ.

Doanh nghiệp trong nước cũng có xu hướng tăng xuất khẩu, nhưng chủ yếu là xuất khẩu các mặt hàng với giá trị gia tăng thấp như dệt may, giày da, nông thủy sản cũng chưa cho thấy dấu hiệu lạc quan. Bởi việc xuất khẩu sản phẩm thuộc công đoạn giá trị gia tăng thấp của ngành, thường do các quốc gia trình độ phát triển thấp đảm nhận. “Chẳng hạn như chế biến tinh lương thực thực phẩm không chiếm tỷ trọng đáng kể trong xuất khẩu, trong khi nguyên liệu cho ngành này thì xuất khẩu lớn; chưa có thương hiệu quần áo, giày dép Việt Nam có mặt ở thị trường thế giới như sản xuất gia công quần áo, giày dép thì cao… Do vậy, việc gia tăng này chưa cho thấy trình độ sản xuất của DN trong nước được cải thiện” - TS. Nguyễn Văn Chắt chia sẻ thêm.

Các sản phẩm xuất khẩu với giá trị gia tăng cáo như linh kiện điện tử, điện thoại… chủ yếu là FDI xuất, chứ không phải DN trong nước xuất. Hơn nữa, kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc vào một vài DN (như Samsung) càng cho thấy sự thiếu nền tảng vững chắc, rủi ro trong xuất khẩu.

IMG_6622-1-e1531987134472

Công nghiệp may mặc. (Ảnh: Kim Ngọc).

Dự báo nhiều khó khăn cho bức tranh nửa cuối năm

Bên cạnh nhiều tín hiệu đáng mừng như đã phân tích, nhiều chuyên gia nhận định bức tranh xuất nhập khẩu thời gian còn lại của năm 2018 và thậm chí dài hơi hơn sẽ đối mặt không ít khó khăn với những nội tại trong nước và chuyển biến khôn lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới.

TS. Phạm Văn Chắt cũng đưa ra dự báo, nửa cuối năm 2018 và thậm chí là kéo dài về sau, bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nước ngoài. Nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do vậy, cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc kinh tế lớn cũng có thể tác động tới hoạt động xuất khẩu.

Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, việc tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu là một xu hướng tất yếu, từ năm 2018, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của nhiều FTA thế hệ mới, theo đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chắc chắn sẽ gia tăng trong những năm tiếp theo. Phần lớn các FDI đến Việt Nam với chiến lược sản xuất phục vụ xuất khẩu nên xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng là điều rất dễ dự báo. Bên cạnh xuất khẩu tăng thì việc nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của khối FDI cũng sẽ tăng bởi doanh nghiệp trong nước chưa cung ứng được nguyên liệu, sản phẩm phụ trợ cho FDI, họ vẫn phải nhập khẩu khá lớn. Do vậy, tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP của Việt Nam luôn có xu hướng tăng - là biểu hiện của một nền kinh tế với “độ mở” lớn. Một nền kinh tế có “độ mở lớn” luôn ẩn chứa nhiều cơ hội và rủi ro cho tăng trưởng đòi hỏi chính phủ phải có chính sách điều tiết sát sao hơn để kịp thời ứng phó với các cú sốc bất ngờ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng còn 1 vấn đề khá lớn sẽ tác động mạnh đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, vì nó không chỉ đơn thuần là chiến tranh thương mại với các sắc thuế, mà còn liên quan đến các vấn đề cơ cấu kinh tế, tiền tệ, tín dụng… của nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam.

Vì thế thời gian tới cần đẩy mạnh nhiều biện pháp như: Hỗ trợ thông tin cho DN nắm rõ các điều kiện và yêu cầu của các FTA mà Việt Nam đã đang và sắp tham gia, trợ giúp doanh nghiệp các hệ thống sản xuất hướng đến đạt tiêu chuẩn, xuất xứ, cam kết về lao động, môi trường khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính; kiến tạo các chương trình kết nối giữa FDI với DN trong nước, chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng DN trong nước có xuất khẩu lớn lên phân khúc có giá trị gia tăng cao. Chẳng hạn như xuất khẩu các mặt hàng chế biến tinh lương thực thực phẩm thay vì xuất khẩu nông thủy sản sơ chế; tương tư dệt may, giầy da cũng vậy. Muốn vậy, cần có những chương trình trợ giúp doanh nghiệp chuyển đổi, hoặc thu hút đầu tư cho các phân khúc đó.

Kim Ngọc

http://www.nguoitieudung.com.vn/khoi-sac-buc-tranh-xuat-nhap-khau-6-thang-dau-nam-2018-d68789.html

LIÊN KẾT
FANPAGE