Mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến 2020 Việt Nam phải có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động. Để đạt được con số này, chỉ nỗ lực cá nhân của người khởi nghiệp vẫn không đủ, mà cần có một hệ sinh thái để doanh nghiệp thành lập và phát triển.
Hội thảo “Doanh nghiệp khởi nghiệp và hướng phát triển” sáng nay 15/12, nêu các vấn đề cho thấy việc khởi nghiệp – tuy đang được quốc gia và Chính phủ khuyến khích – đầy những gian nan. Cơ chế, vốn, kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật, áp lực cạnh tranh… và nhiều thứ khác, mà những chướng ngại khổng lồ mà một doanh nghiệp non trẻ, thậm chí tài sản không có là mấy, phải vượt qua.
Tiến sĩ Mã Văn Tuệ (Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM – HIDS), doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời điểm này có một số cơ hội thuận lợi. Đó là đang được sự quan tâm ngày càng nhiều từ phía Chính phủ. Các chính sách hỗ trợ, các buổi kết nối giữa Chính phủ và các doanh nghiệp khởi nghiệp dang ngày càng mở rộng. Lợi thế về bùng nổ công nghệ thông tin, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người có tri thức cao, thế giới phát triển là nền tảng để phát huy ý tưởng sáng tạo và chọn lựa… cũng là những thuận lợi lớn cho người khởi nghiệp. “Khởi nghiệp trong thời điểm này là chọn đúng thời cơ, đúng điểm rơi”, tiến sĩ Tuệ nhận định.
Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Thành viên Nhóm Tư vấn đề án, Phát triển Công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh sự đóng góp quan trọng của tinh thần khởi sự kinh doanh đối với sự phát triển phồn thịnh của một quốc gia. Tinh thần khởi sự kinh doanh mang lại sự sáng tạo đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, tạo công ăn việc làm…, từ đó đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của quốc gia. Tuy nhiên chính những người khởi sự kinh doanh lại khó nhận được sự hỗ trợ từ các nguồn lực, mà trong thuật ngữ gọi là “hệ sinh thái”.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho rằng môi trường kinh doanh là điều kiện tối quan trọng để doanh nghiệp mạnh dạn khởi khởi nghiệp. “Cái mà doanh nghiệp cần là quyền tự do kinh doanh được tôn trọng. Nếu không có điều này, khó có doanh nghiệp hình thành”, đại diện này nhận định.
Minh họa cho điều này, tham luận của chuyên gia kinh tế Trương Đình Thái (Đại học Ngân hàng TP.HCM) dẫn các số liệu: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp, tạo ra 62% việc làm, đóng góp hơn 50% GDP, 33% cho ngân sách, đóng góp 49% giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tuy nhiên nhóm này vẫn hoạt động không hiệu quả và số phá sản tăng dần theo thời gian.
Một trong những lý do, chuyên gia này cho rằng môi trường kinh doanh không thuận lợi. Đơn cử, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay ở Việt Nam, tỷ lệ thuế và phí chiếm đến 40,8% lợi nhuận của doanh nghiệp. Trong khi đó điều kiện kinh doanh vẫn không ngừng siết chặt, giấy phép con vẫn liên tục sinh ra dưới hình thức này hình thức khác, do đó hệ quả phá sản là tất yếu.
Chuyên gia này còn dẫn chứng, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam như Vatgia.com, Lozi, công ty mPos, Babyme…, nhưng lại đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Singapore! “Doanh nghiệp đăn ký kinh doanh ở đâu là quyền của họ, nhưng câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý là tại sao những người lập nghiệp ở Việt Nam lại không tin tưởng vào chính ngôi nhà của mình mà phải đi thuê thủ tục ở nhà hàng xóm?”, chuyên gia này nêu vấn đề.
Vốn, đó là bài toán khó giải của những người khởi nghiệp. Điều này có thể thấy khá rõ ở ý kiến của đại diện ngân hàng Nhà nước. Theo đại diện này, việc thẩm định dự án của các doanh nghiệp khởi nghiệp khá khó, bởi đây là những ý tưởng… sáng tạo! Dù cho ý tưởng sáng tạo có dựa trên các nền tảng kinh tế, xã hội, công nghệ, xu thế…, thì việc thẩm định tính hiệu quả vẫn khó hình dung được hiệu quả trong tương lai.
Tiến sĩ Mã Văn Tuệ nêu 5 điểm khuyến nghị mà Nhà nước, cơ quản quản lý cần chú trọng để hỗ trợ doanh nghiệp: – Tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, gỡ bỏ các rào cản, cải thiện môi trường kinh doanh, nhằm xây dựng lại lòng tin cho người làm kinh doanh, thức dậy tinh thần khởi nghiệp. – Cải thiện hệ sinh thái khởi nghiệp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và phát triển kinh doanh ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói chung. – Nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong khởi nghiệp có tính đột phá và sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp trong các lĩnh vực chế tạo và dịch vụ phát triển kinh doanh. – Tăng cường cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập để các hoạt động khởi nghiệp có định hướng quốc tế cao hơn. – Khuyến khích phát triển các hoạt động kinh doanh xã hội, các doanh nghiệp xã hội. |
Về quan điểm này, theo tiến sĩ Điền, ông hướng về những ý tưởng chưa ai khai thác, dù cho ban đầu có khó khăn. “Một quan điểm của tôi mà có thể nói ra đây nhiều người phản đối, đó là cái gì mà Nhà nước khuyến khích thì nên né đi, đừng làm!”. Tiến sĩ này cho rằng, những lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích thì sẽ rất nhiều người làm, thì sẽ ít đi cơ hội cho người khởi nghiệp bởi tính đại trà sẽ bị cạnh tranh cao và nhận được các nguồn lực hỗ trợ thấp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là với người trẻ và khởi nghiệp dựa trên ý tưởng, lại không có tài sản bảo đảm để vay vốn, không có báo cáo tài chính hoặc không rõ ràng… nên khó cho vay. Bởi tài sản bảo đảm là nghiệp vụ quản trị rủi ro, là một trong những nguyên tắc ngặt nghèo của ngành ngân hàng.
Tiến sĩ Điền dẫn chứng, theo một khảo sát của Cục thống kê TP.HCM năm 2015, 73% cơ sở sản xuất không có ý định chuyển mô hình hoạt động lên doanh nghiệp. Ngoài ra, các khó khăn doanh nghiệp gặp phải như thiếu vốn (chiếm đến 60%), thủ tục hành chính, cạnh tranh kém, thiếu nhân lực, mặt bằng sản xuất, giá thành cao… dẫn đến sự bế tắc trên con đường khởi nghiệp.
Sự hỗ trợ của cộng đồng, mà tiến sĩ Điền cho rằng “hệ sinh thái” hỗ trợ khởi nghiệp là yếu tố vô cùng quan trọng trong sự thành bại của doanh nghiệp. “Ví dụ như người đi trên dây. Nếu nhìn xuống thấy chông gai lởm chởm thì đố ai dám đi. Nhưng nếu thấy có võng lưới giăng đỡ sẵn sàng, thì người ta mạnh dạn đi ngay”, tiến sĩ Điền ví dụ.
Theo đại diện sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, hiện thành phố này đã có khá nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên ông cũng thừa nhận, thông tin của các hoạt động, các tổ chức này cũng chưa được lan tỏa rộng đến cộng đồng để người khởi nghiệp tìm đến. Công việc thời gian tới là cần phải có thông tin rộng rãi về các tổ chức, các hoạt động này.
Về vốn hỗ trợ khởi nghiệp, theo ý kiến của đại diện ngân hàng và đa số các ý kiến các đại biểu tại buổi hội thảo, việc thành lập một “Quỹ đầu tư mạo hiểm” hỗ trợ khởi nghiệp là rất cần thiết. Quỹ này sẽ giúp giải được phần nào bài toán về vốn.
Đặng Vỹ