Hành lang liên kết đào tạo nghề

Date: - View: 1198 - By:

Doanh nghiệp có thể đảm nhận đào tạo 40% chương trình, là hành lang pháp lý tạo sự thuận lợi, linh hoạt cho các trường nghề. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng nếu phía doanh nghiệp không mặn mà tham gia thì cũng chẳng giải quyết được gì.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề cùng nhà trường sẽ tạo cơ hội cho giáo viên và học sinh - sinh viên tiếp cận với dây chuyền, công nghệ mới. Trong ảnh: Học sinh thực hành nghề tiện

Bộ LĐ-TB&XH vừa ban hành Thông tư về đẩy mạnh hợp tác trong chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng, đáp ứng nhu cầu xã hội giữa các trường CĐ-TC và doanh nghiệp. Theo đó, hai bên sẽ thống nhất chuẩn đầu ra, biên soạn chương trình và xây dựng đội ngũ giáo viên.

Giảm chi phí đầu tư

Theo Thông tư này, doanh nghiệp và các trường CĐ-TC được khuyến khích hợp tác tổ chức và công nhận kết quả đào tạo một số môn học lý thuyết và thực hành, cả đào tạo từ xa ở một số mô đun. Trong đó, doanh nghiệp có thể đảm nhận 40% chương trình đào tạo. Với quy định này, các trường sẽ tập trung đào tạo các học phần, mô đun thực hành cơ bản, còn lại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đào tạo các mô đun kỹ năng nghề tại đơn vị cho học sinh, sinh viên.

Ông Hà Xây (Phó Hiệu trưởng Trường TC Quang Trung) cho rằng với quy định này trường có cái lợi trước mắt là xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn. Học sinh - sinh viên có nơi thực tập thuận lợi và được giới thiệu việc làm, đặc biệt là giáo viên cũng có thể đến doanh nghiệp để tiếp cận với dây chuyền công nghệ mới. Tuy nhiên, chương trình liên kết cần có thỏa thuận để hai bên cùng có lợi.

Tương tự, PGS.TS Lê Anh Đức (Hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng TP.HCM) nhìn nhận đây là hành lang pháp lý tốt trong liên kết đào tạo. Thực tế từ rất lâu, các trường đã chủ động tìm đến doanh nghiệp để mời họ tham gia chương trình đào tạo. Thông tư của Bộ LĐ-TB&XH là hành lang pháp lý để các trường mạnh dạn liên kết chứ không dè dặt vì ngại trái quy định. Nếu làm tốt điều này, học sinh - sinh viên có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp sớm hơn, học chương trình sát với thực tế, từ đó tích lũy nhiều kiến thức hơn. “Từ hành lang pháp lý này, trường và doanh nghiệp có thể chủ động, linh hoạt hơn trong xây dựng chương trình, đội ngũ giáo viên và thợ trực tiếp tham gia đào tạo”, ông Đức nói.

Trong khi đó, ông Trương Tấn Tòng (Giám đốc điều hành Công ty 3D Smart Solutions) khẳng định đây là giải pháp giảm chi phí đầu tư trang thiết bị phục vụ giảng dạy cho các trường trong điều kiện tuyển sinh khó khăn như hiện nay. Hiện Công ty 3D Smart Solutions đang trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho 100 giáo viên dạy nghề trên địa bàn TP.HCM. “Qua liên kết đào tạo, học sinh - sinh viên sẽ được thực hành với đội ngũ thợ lành nghề, nhiều năm kinh nghiệm. Riêng doanh nghiệp, cái lợi lớn nhất là có thể phát hiện, bồi dưỡng và tuyển dụng lao động vào các vị trí chủ chốt của đơn vị mình”, ông Tòng chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quang Đức (Giám đốc Công ty Soluca) đánh giá cao việc doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo với trường nghề. Đây là cơ hội để các trường xác định lại thế mạnh và năng lực của mình, quy hoạch ngành nghề phù hợp với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp cũng như tại địa phương.

Doanh nghiệp cần có tư duy mở 

TS. Huỳnh Thanh Điền (thành viên nhóm đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM) cho rằng để đào tạo được nguồn nhân lực kịp thời và cần thiết phục vụ quá trình hội nhập thì sự tham gia của doanh nghiệp đóng góp vai trò rất lớn. Cụ thể, doanh nghiệp có sẵn trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại mà nhà trường không phải mất chi phí đầu tư, nhưng thuận lợi hay khó khăn còn phụ thuộc vào tư duy của các doanh nghiệp.

Tại buổi họp giao ban các trường CĐ-TC trên địa bàn thành phố do Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Phan Hòa (Hiệu trưởng Trường TC Nhân Đạo) cho rằng hiện tại việc liên kết để doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề là không dễ bởi quyền lợi cho họ chưa rõ ràng. Trong khi đó, ông Nguyễn Đăng Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM) cho biết việc phối hợp xây dựng chương trình, đội ngũ đào tạo các trường đã chủ động thực hiện từ rất lâu nhưng hiệu quả đạt chưa cao ở một số trường. Khó cho các trường là lâu nay doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà trong tham gia đào tạo với nhà trường, chỉ số ít có nhu cầu và xem đó là trách nhiệm đối với xã hội. “Tôi tạm gọi có hai loại doanh nghiệp. Thứ nhất là doanh nghiệp không có chiến lược, chủ yếu sử dụng nguồn lao động thời vụ. Thứ hai là doanh nghiệp có chiến lược, họ có nhu cầu xây dựng đội ngũ lao động, quy hoạch các vị trí chủ chốt cho sự phát triển lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không nhiều nên các trường không dễ tiếp cận”, ông Lý phân tích.

T.Anh/ Báo Giáo dục online- ngày 21/12/2017

LIÊN KẾT
FANPAGE