Gấp rút cải thiện môi trường đầu tư

Date: - View: 946 - By:
SGGP 

 

7,0% là mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn TPHCM. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số IIP này của thành phố đã có dấu hiệu suy giảm so với năm 2018. 

 

Và xu hướng giảm sẽ còn tiếp tục diễn biến mạnh hơn trong thời gian tới, do những nút thắt về môi trường đầu tư chưa được cải thiện nên doanh nghiệp (DN) có xu hướng dịch chuyển đầu tư ra các tỉnh lân cận. Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu cho TPHCM, cần gấp rút cải thiện môi trường đầu tư

Giảm cục bộ ở một số ngành

Phân tích tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố, Sở Công thương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, TPHCM vẫn duy trì được những tín hiệu tích cực. Ngành công nghiệp chế biến ước tăng 7,0%. DN sản xuất kim loại tăng 59,4%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 41,7%. Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 8,7% - cao nhất từ đầu năm đến nay.

Thực tế trên đã phản ánh hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp thành phố. Tuy nhiên, cùng với các tín hiệu tích cực trên thì những bất ổn trong môi trường đầu tư của thành phố cũng bộc lộ khá rõ nét. Dễ nhận thấy nhất là xuất hiện tình trạng nhiều DN chủ động xây dựng lộ trình di dời nhà xưởng sản xuất ra các tỉnh lân cận.

Hiện số lượng DN dịch chuyển đầu tư nhiều nhất là ngành chế biến thực phẩm. Cụ thể, Công ty cổ phần Uniben, Công ty TNHH MTV Công nghệ thực phẩm Việt Tiến, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Nhà máy Sữa Thống Nhất... đã dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất sang tỉnh Bình Dương.

Gấp rút cải thiện môi trường đầu tư ảnh 1Ngành chế biến thực phẩm tại thành phố có doanh nghiệp dịch chuyển đầu tư cao. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tương tự, ở lĩnh vực sản xuất ô tô, Công ty TNHH Hosihino Việt Nam chuyển một số dây chuyền sản xuất sản phẩm túi khí an toàn về tỉnh Bình Dương và sáp nhập với một công ty khác tại TPHCM… Trước đó, rất nhiều DN sản xuất sản phẩm phụ trợ cũng đã dịch chuyển đầu tư vào các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) khu vực Bình Dương, Đồng Nai nhưng có địa giới hành chính tiếp giáp với TPHCM.

Việc dịch chuyển đầu tư của các DN sản xuất cũng kéo theo sự sụt giảm chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp cục bộ ở một số nhóm ngành. Đơn cử, mức tăng trưởng ngành sản xuất chế biến thực phẩm ước giảm 2,6%, nhóm ngành sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe giảm 17,76%...

Chuyển bộ

Lý giải vấn đề này, TS Huỳnh Thanh Điền, Đại học Nguyễn Tất Thành TPHCM, cho rằng các tỉnh lân cận đang có lợi thế về giá thuê đất và các chính sách ưu đãi khác. Trong khi đó, tại TPHCM, các dịch vụ hỗ trợ sản xuất của DN chưa hoàn thiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông, nước… lại đang chịu sức ép quá tải, trong khi ngân sách, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng chưa tương xứng.

Không dừng lại đó, quỹ đất phát triển công nghiệp thành phố đang dần trở nên khan hiếm. Các khu công nghiệp hình thành thời gian dài nhưng thiếu tái đầu tư chuyên sâu, thiếu quỹ đất lớn để DN đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng. Riêng các khu công nghiệp đầu tư mới thì giá đất thuê quá cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng lực cạnh tranh của DN.

Ở góc độ khác, qua trao đổi với các tổ chức hội trên địa bàn như Hội Lương thực thực phẩm, Hội Cao su - Nhựa, Hội Cơ khí - Điện, Hiệp hội Dệt may, Da giày cho thấy, với mức tăng giá điện 8,36%, lộ trình tăng đột ngột, dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó, giá thành sản phẩm không tăng được do đã ký kết hợp đồng tiêu thụ từ trước, nên ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN.

Trên thực tế, việc tăng giá điện thời gian qua đã làm giảm bình quân 5% - 10% lợi nhuận của nhiều DN ngành cơ khí, nhựa, chế biến lương thực thực phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến các DN ngoài việc chủ động chuyển đổi dây chuyền sản xuất, cũng tính đến yếu tố dịch chuyển sản xuất để giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết sở này và các cơ quan chức năng liên quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh của DN. Trước hết, rà soát và minh bạch thông tin quỹ đất đầu tư tại các KCX-KCN, kết hợp làm việc với các chủ đầu tư hạ tầng để xây dựng bảng giá thuê đất hợp lý. Ban Quản lý các KCX-KCN thực hiện đơn giản hóa thủ tục đầu tư cho các DN đến đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Hiện, các đơn vị này đã cắt giảm khoảng 30% thời gian giải quyết hồ sơ đối với 22 thủ tục hành chính (trên tổng số 65 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của mình).

Riêng với những vướng mắc liên quan đến thủ tục hành chính, Sở Công thương đã tiếp xúc với các DN để giải quyết khó khăn theo kiến nghị cụ thể. Cục Thuế TPHCM cũng tập trung hướng dẫn, hỗ trợ pháp luật thuế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Cũng theo ông Kiên, trong thời gian tới, sở gấp rút tổ chức các hoạt động phát triển thương hiệu, xúc tiến quảng bá và giới thiệu DN, nhất là DN thuộc sản phẩm chủ lực, để tạo nền tảng cho DN tăng kết nối với thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Qua rà soát, hiện thành phố còn khoảng 428ha đất dành cho đầu tư công nghiệp. Cụ thể, KCX Tân Thuận còn 10ha, Hiệp Phước 254ha, Tân Phú Trung 84ha, Cơ khí ô tô 10ha, Lê Minh Xuân 3 là 70ha và 5.000m2 nhà xưởng xây sẵn tại KCN Đông Nam.

ÁI VÂN

LIÊN KẾT
FANPAGE