FDI dồn vào dệt may nhằm tạo chuỗi khép kín

Date: - View: 1017 - By:
 
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục dồn vốn vào ngành dệt may Việt Nam nhằm tận dụng ưu thế từ chi phí sản xuất.
 
 Tăng vốn đầu tư, đưa dự án vào sản xuất

Công ty Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan) vừa khánh thành nhà máy sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polyester tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD.

Far Eastern cũng là doanh nghiệp có vốn đầu tư tăng thêm lớn nhất tại Bình Dương trong 7 tháng qua. Cụ thể, doanh nghiệp này đã tăng vốn thêm 485,8 triệu USD, đưa tổng vốn đầu tư đăng ký lên 760 triệu USD.

Liên quan lĩnh vực sản xuất sợi tổng hợp, Bình Dương mới đây cũng cấp phép cho một dự án có vốn đầu tư khá lớn vào Khu công nghiệp Bàu Bàng. Đó là Dự án Nhà máy sản xuất sợi lốp polyester của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc). Dự án có vốn đầu tư 220 triệu USD, với năng lực sản xuất 36.000 tấn/năm.

Trong khi đó, ông Mai Văn Nhơn, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, dự án tăng vốn đầu tư lớn nhất của địa phương này cũng liên quan đến lĩnh vực dệt may. Cụ thể, Công ty TNHH Sợi Long Thái Tử (Hàn Quốc) đã tăng vốn đầu tư thêm 50 triệu USD cho dự án tại Khu công nghiệp Long Khánh.

Trước đó, vào cuối năm 2016, doanh nghiệp này đã hoàn thành đầu tư xây dựng một nhà xưởng có diện tích 37.000 m2 sàn trên khu đất 18 ha tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2.

Tiếp tục đầu tư chiều sâu

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực dệt may tiếp tục đầu tư bởi Việt Nam vẫn được xác định là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn.

“Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam bất chấp việc có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay không, nhằm tận dụng ưu thế từ chi phí sản xuất”, TS. Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia của Hội May thêu đan TP.HCM nhận định.

Cũng theo ông Điền, các doanh nghiệp FDI hiện vẫn chiếm lợi thế so với doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, do việc cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn, nên các doanh nghiệp FDI cũng sẽ linh hoạt hơn, trong đó có xu hướng đầu tư chiều sâu cho phương thức sản xuất OBM (tự thiết kế, sản xuất, phân phối) để tham gia đầy đủ vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Đơn cử, dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) tại Khu công nghiệp Đông Nam (TP.HCM), sau khi được cấp phép điều chỉnh tăng vốn thêm 140 triệu USD vào tháng 3/2015, đã đầu tư xây dựng Trung tâm thiết kế thời trang và sản xuất các sản phẩm dệt kim cao cấp.

Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư (Ban Quản lý khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM) cho biết, với việc đầu tư cho hoạt động thiết kế, các sản phẩm mà Worldon Việt Nam làm ra sẽ tạo thành chuỗi khép kín, đạt tiêu chuẩn cung cấp cho các thương hiệu nổi tiếng như Uniqlo, Nike, Adidas, Puma…

Nguồn tin của phóng viên cho biết, Tập đoàn Trillions (Hoa Kỳ), một đối tác lớn của 2 hãng Adidas và Nike, mới đây đã thông báo việc mở rộng diện tích đầu tư thêm khoảng 5 ha trong năm tới.
Theo Baodautu
LIÊN KẾT
FANPAGE