Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đừng để "động lực" bị cản trở

Date: - View: 1076 - By:

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được xác định là động lực phát triển kinh tế, lại là đối tượng dễ bị "tổn thương" trước những thay đổi về chính sách và gặp không ít trở ngại trong quá trình hoạt động. 

Chiếm tỷ trọng lớn

Tại phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng DNNVV APEC lần thứ 24 được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tuần qua, bộ trưởng các nước thành viên APEC cùng các chuyên gia kinh tế có cùng nhận định: các DNNVV hiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh vai trò của các DNNVV. Số liệu thống kê cho thấy, DNNVV chiếm khoảng 97% số doanh nghiệp (DN), tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới và sáng tạo cho các nền kinh tế APEC.

Thực tế, ngay như Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, DNNVV cũng chiếm tỷ trọng lớn. Năm 2015, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Charles H. Rivkin, khi đó là Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, phụ trách các vấn đề kinh tế và thương mại, cho biết, Mỹ là thị trường đơn lẻ lớn nhất thế giới với hơn 28.000 DNNVV, chiếm 98% tổng số DN của Mỹ, nhưng chỉ chiếm 1% trong tổng giá trị xuất khẩu 19.000 tỷ USD.

Đối với các DNNVV, việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan có ảnh hưởng nhất định đến họ. Tại Việt Nam, DNNVV, siêu nhỏ cũng đang chiếm khoảng 98% tổng số DN. Loại hình DN này đóng góp đáng kể cho nền kinh tế: sử dụng hơn 50% lao động xã hội, đóng góp hơn 40% GDP... Riêng với trung tâm tài chính, kinh tế lớn nhất cả nước như TP.HCM, DNNVV cũng là động lực chính. Song thực tế, khối DN này vẫn còn đối diện nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh.

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho thấy, xét theo thành phần DN, DN có quy mô lớn chỉ chiếm tỷ trọng 1,37%, còn lại là DNNVV, DN siêu nhỏ. Hơn nữa, qua gần 17 năm phát triển (từ năm 2000), đa số DN trên địa bàn thành phố thuộc nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tỷ lệ đến 93,61%.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền, trong nửa đầu năm 2017, tuy số DN mới thành lập tăng 10,5% về số lượng và 57,5% về vốn đăng ký, nhưng số DN phá sản cũng gần với con số đó. Điều này cho thấy chất lượng của DN mới thành lập chưa đạt. Trong khi đó, áp lực cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất lớn.

Năng lực cung ứng của DN TP.HCM còn nhiều hạn chế bởi nhu cầu sản phẩm phụ trợ chưa hướng đến DN trong nước, do DN có vốn đầu tư nước ngoài còn e ngại khi đặt hàng vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng, số lượng và tiến độ giao hàng. Thế nên họ thường đặt hàng với những đơn hàng sản xuất nhỏ, chủ yếu là làm thử, hoặc chỉ dừng lại ở việc cung ứng các sản phẩm đơn giản.

Như trường hợp trở thành nhà cung ứng cho Samsung Việt Nam, DN trong nước tham gia cũng được gạn lọc rất kỹ. Hồi đầu năm, tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc này cho biết, sau những nỗ lực nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng Việt, con số DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng lên mạnh mẽ với tổng số 198 DN (20 DN cấp 1 và 178 DN cấp 2). Các DN này hiện đang tham gia chuỗi cung ứng cho 3 nhà máy Samsung tại Việt Nam.

Để có được kết quả này, Samsung Việt Nam đã phải thực hiện chương trình cử chuyên gia Samsung đến tư vấn trực tiếp và làm việc cùng DN Việt trong 3 tháng để cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy Samsung tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải DN nào tham gia chương trình cũng đều trở thành nhà cung ứng cho Samsung.

Thoát vòng lẩn quẩn

Không chỉ khó khăn trong việc trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài, ngay cả các DN lớn trong nước cũng ngại đặt hàng các DN nội cung ứng cũng với lý do tương tự. Cho nên, theo TS. Huỳnh Thanh Điền, phần lớn DN rơi vào vòng lẩn quẩn: thiếu vốn - khó tiếp cận tín dụng - khó đầu tư cải tiến công nghệ - năng lực cạnh tranh kém - hiệu quả thấp, khó tích tụ vốn.

TS. Huỳnh Thanh Điền cũng dẫn chứng, các khó khăn cản trở việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khả năng xuất khẩu của DN, cụ thể là DN Thành phố, chủ yếu tập trung ở 5 vấn đề: vốn vay - tài chính, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh, thiếu nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao, cạnh tranh từ thương hiệu nước ngoài, giá thành cao. Xét trong phạm vi các ngành nghề chủ lực của TP.HCM như cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực - thực phẩm thì vốn vay - tài chính và giá thành cao là hai trở lực chiếm tỷ lệ cao, lần lượt trên 40% và 50%.

Dù hiện nay, nếu đề cập vấn đề chính sách nhằm hỗ trợ và phát triển DN nói chung cũng như DNNVV nói riêng, TP.HCM không thiếu, thậm chí ở mỗi ngành cũng có chính sách riêng, nhưng có bao nhiêu DN tiếp cận được những ưu đãi này mới là điều quan trọng.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy, không chỉ DN lớn làm động lực dẫn dắt, các tổ chức tín dụng cũng hỗ trợ đáng kể khối DNNVV tiếp cận các cơ hội đầu tư ở thị trường mới. Chẳng hạn, tại Nhật Bản, Tổng công ty bảo lãnh tín dụng (CGCs) Tokyo thành lập vào năm 1937, đến nay đã phát triển hệ thống gồm 51 CGCs độc lập tại mỗi quận và các thành phố.

Các CGCs sẽ dựa vào lao động thường xuyên hoặc vốn điều lệ để xác định đối tượng thực hiện bảo lãnh. Bằng việc tư vấn, phân tích, cung cấp thông tin..., các CGCs của Nhật đã giúp DNNVV nước này tiếp cận được nguồn vốn trong điều kiện không có tài sản đảm bảo. Từ đó, DNNVV Nhật mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ, sẵn sàng "xuất ngoại" để cung ứng sản phẩm phụ trợ cho những tập đoàn Nhật đầu tư ở nước ngoài.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ bên ngoài, theo ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, DN nội phải có chiến lược kinh doanh, tầm nhìn thị trường rõ ràng, dù quy mô nhỏ hay lớn. Trên cơ sở xác định được hướng đi, hiểu rõ được ưu - nhược điểm của chính mình, DN mới biết đâu là chính sách hỗ trợ phù hợp với mình.

 

NGUYÊN BẢO - HẢI ÂU/DNSG
LIÊN KẾT
FANPAGE