Doanh nghiệp đổ xô “chạy” dự án, “xin” công trình vì siêu lợi nhuận

Date: - View: 1064 - By:
(DNVN) - Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng: Doanh nghiệp chỉ cần làm được một dự án là giàu ngay thì không thể chấp nhận được.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hoàng Anh (đoàn Cao Bằng), Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ ra điểm bất hợp lý khi cơ chế tạo ra siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư. "Không thể chấp nhận một xã hội mà doanh nghiệp chỉ cần làm được một dự án là giàu ngay", ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị phải tăng cường thu thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu không, nhà nước thất thoát nguồn thu nội địa lớn.

Doanh nghiệp đổ xô “chạy” dự án, “xin” công trình vì siêu lợi nhuận ảnh 1
ĐBQH Nguyễn Hoàng Anh 
Trong phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 22/5 về phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, khi đầu tư không phải là siêu lợi nhuận thì người ta sẽ không đổ xô đi "chạy" dự án, "xin" công trình.
Với những dự án đầu tư kỹ thuật lớn, theo ông Nguyễn Hoàng Anh, cần ràng buộc điều kiện năng lực. Không thể để ai cũng đi làm đường cao tốc, ai cũng xây nhà chung cư, rồi dẫn đến cháy nổ như vừa qua. Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị, cần giảm lợi nhuận bằng việc thu thuế để giảm "chạy" dự án.
Có cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Văn Quyền (đoàn Cần Thơ), Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, vấn đề về cháy nổ thời gian qua là do buông lỏng quản lý, trách nhiệm chung của xã hội chưa rõ. Xây dựng chung cư cho phép xây vô tội vạ, không đảm bảo an toàn, không giám sát chặt chẽ. Do đó, ông Quyền kiến nghị Chính phủ cần có đánh giá toàn diện và quy trách nhiệm rõ ràng.
Doanh nghiệp đổ xô “chạy” dự án, “xin” công trình vì siêu lợi nhuận ảnh 2
ĐBQH Nguyễn Văn Quyền 
ĐBQH Nguyễn Văn Quyền cũng nêu thực tế: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được ban hành, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải dừng hoạt động vì liên quan đến cơ chế chính sách, liên quan đến tiêu cực, doanh nghiệp vẫn còn phải mất chi phí "bôi trơn".
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được ví như “siêu” ủy ban khi quản lý khối lượng vốn lên đến 5 triệu tỷ đồng của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Đề cập Ủy ban Quản lý vốn trong doanh nghiệp, ông Quyền cho rằng, việc xây dựng cơ cấu bộ máy đã có nhưng triển khai chậm quá. Đại biểu này mong muốn khi Ủy ban được thành lập thì phát huy được vốn cho doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của TS. Huỳnh Thanh Điền (Đại học Kinh tế TPHCM) trên SGGP,  lâu nay cụm từ "chạy dự án" đã quá quen thuộc trong giới đầu tư bất động sản, muốn có dự án thì phải biết "chạy". Trước đây phải "chạy" là vì thiếu cơ chế đấu thầu giao đất, nay có cơ chế rồi cũng phải "chạy" vì chưa thực hiện nghiêm cơ chế.
Để xóa bỏ tình trạng "chạy chọt" dự án, TS. Điền cho rằng, cần thiết lập cơ chế giám sát đảm bảo sự công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, giám sát chặt tình hình sử dụng đất, triển khai dự án.../.

 

Theo VOV

 
LIÊN KẾT
FANPAGE