DN dệt may “bàn” giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Date: - View: 1265 - By:

Để tăng sức cạnh tranh cho ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành này.

Thúc đẩy CNHT sẽ làm tăng sức cạnh tranh cho may mặc TP.HCM.

Theo nhận định của Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (Đại học Kinh tế TP.HCM), tuy sản phẩm của ngành may TP.HCM rất đa dạng nhưng chủ yếu là sản xuất theo phương thức gia công nên hầu hết nguyên phụ liệu đều được khách hàng đặt hàng và cung cấp. Mặc dù trong thời gian qua TP.HCM có định hướng chuyển đổi phương thức kinh doanh của ngành may từ gia công sang làm chủ thiết kế nhưng vẫn chưa phát huy được hiệu ứng. Do các DN còn hạn chế trong khâu thiết kế, chỉ tiêu thụ nội địa với dung lượng thị trường thấp trong khi đó việc xây dựng thương hiệu thời trang XK sản phẩm mang thương hiệu Việt gặp nhiều khó khăn.

Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho thấy, hiện TP.HCM có khoảng 85 DN may sản xuất theo phương thức gia công đơn giản. Sản xuất theo phương thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) chỉ chiếm 13% và ODM (thiết kế, phát triển NPL, sản xuất, giao hàng) chỉ chiếm 2% trong tổng số các DN XK dệt may, do đó giá trị thặng dư của ngành dệt may rất thấp vì giá trị nguyên phụ liệu chiếm từ 60- 70% cộng với giá gia công từ 20- 25% giá trị sản phẩm. Vì vậy, ngành may thường được xem như ngành thâm dụng lao động.

Thừa nhận thực tế này, ông Lê Quang Hùng- Chủ tịch HĐQT Công ty SXTM May Sài Gòn cho rằng, hiện nay CNHT của ngành dệt may còn quá yếu chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng về mức độ phong phú đa dạng chủng loại, giá thành thiếu cạnh tranh. Để ngành may phát triển bền vững thành phố phải có chủ trương và quyết tâm phát triển CNHT. Việc phát triển CNHT không chỉ giúp các DN nâng cao lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực thông qua việc rút ngắn thời gian sản xuất mà còn phát triển được ngành công nghiệp thời trang. Trong chuỗi thiết kế- sản xuất, tiêu thụ thì giá trị thặng dư tập trung ở các khâu thiết kế và tiêu thụ (nhãn hiệu, hệ thống phân phối).

Còn theo ông Lê Đông Triều - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Định, sự phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đang là thách thức đối với DN dệt may tại TP.HCM. Bởi lẽ nếu các DN dệt may không tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì cũng không thể hưởng các chính sách ưu đãi thuế từ các Hiệp định song phương, đa phương mang lại.

“Một trong những điểm yếu của ngành dệt may là ngành dệt và ngành CNHT chưa phát triển tương xứng với vị trí của ngành dệt may trong tổng thể ngành công nghiệp. Hầu hết DN dệt may có quy mô vừa và nhỏ nhiều năm liền không được đầu tư nên thiết bị cũ kĩ lạc hậu. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị lớn đòi hỏi phải có nguồn vốn đủ lớn”, ông Lê Đông Triều khẳng định.

Để thúc đẩy phát triển CNHT cho ngành dệt may, các DN kiến nghị, TP cần thành lập một cụm công nghiệp nguyên phụ liệu để tập trung sản xuất nguyên phụ liệu, trong đó nút thắt chính là xử lý nước thải của khâu nhuộm hoặc các loại nguyên phụ liệu liên quan đến môi trường như xi mạ trong sản xuất nút kim loại hoặc các công đoạn của ngành may như wash, in... Như vậy giá thành sẽ cạnh tranh và môi trường cũng được quản lý chặt chẽ. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư trong cụm công nghiệp nguyên phụ liệu về thuế đất, thuế VAT, thu nhập, miễn giảm thuế tùy theo chủng loại sản phẩm cần khuyến khích đầu tư... hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị. Đồng thời, TP cần lập quỹ hỗ trợ, ưu đãi tín dụng trong các trường hợp: DN thực hiện phương thức FOB cho các đơn hàng có tỉ lệ nội địa hóa từ 50% trở lên, DN sản xuất thử nghiệm phụ tùng, vật tư thay thế ngoại nhập (thuốc nhuộm, tẩy) hay thiết bị trong dây chuyền sản xuất sản phẩm CNHT.

Mai Ca/ Tạp chí Công thương

LIÊN KẾT
FANPAGE