Đề xuất chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí TP.HCM

Date: - View: 1206 - By:

Đề xuất chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí TP.HCM

 

(HQ Online)- Ngày 16-7, tại hội thảo góp ý đề án “Định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí TP.HCM giai đoạn 2015-2020” do Sở Công Thương TP.HCM tổ chức, các đơn vị đã đề xuất nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành này.

Sản xuất tại Công ty Cơ khí Duy Khanh. Nguồn:Internet

Theo đề án, ngành cơ khí hiện là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thành phố, nhưng cấu trúc mất cân đối. Tỷ trọng giá trị nhóm sản phẩm có vai trò hỗ trợ lớn cho các ngành khác như máy móc thiết bị, xe có động cơ… chiếm tỷ trọng thấp. Trong khi đó, các sản phẩm ít hỗ trợ cho các ngành khác như thiết bị điện thông dụng, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… lại chiếm tỷ trọng cao. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cơ khí phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất với hiệu quả thấp. 

Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí phần lớn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu tham gia ở những công đoạn có công nghệ đơn giản, giá trị gia tăng thấp và thường gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chủ yếu chỉ phục vụ sản xuất sản phẩm liên quan đến cơ khí gia dụng, sửa chữa thay thế các thiết bị trong dây chuyền nhập khẩu.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, nhóm tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ - Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do phần lớn doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng, sản xuất phục vụ sửa chữa, thay thể nên chịu sự chi phối theo chỉ định của khách hàng trong việc sử dụng nguồn nguyên vật liệu, linh kiện, chi tiết phục vụ sản xuất. Hiện các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng kỹ thuật, nếu có đơn vị sản xuất được sản phẩm thì giá bán lại cao hơn so với nhà cung ứng hiện hữu của doanh nghiệp FDI, do sản lượng đặt hàng ít, chi phí đầu tư trang thiết bị lớn. 

Cũng theo Tiến sĩ Điền, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; phần lớn các trang thiết bị phải nhập khẩu, nhưng doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận tín dụng (do quy mô nhỏ) để đầu tư.

Từ thực tế nêu trên, nhóm tư vấn chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đề xuất thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM với quy chế một cửa liên thông giữa các sở ngành đặt tại Sở Công Thương để hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề xuất sử dụng đất tại các KCX-KCN để xây dựng các loại hình nhà xưởng có quy mô, diện tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành cơ khí. 

Nhóm tư vấn cũng đề xuất việc tổ chức kết nối ngân hàng với doanh nghiệp theo cơ chế cho vay dự án khả thi mà doanh nghiệp không đủ điều kiện đảm bảo nợ vay, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ các tổ chức nước ngoài như JICA (Nhật Bản), KATECH (Hàn Quốc) trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng cần được bổ sung vào chương trình kích cầu đầu tư, thay đổi phương thức đặt hàng nghiên cứu khoa học công nghệ theo hướng liên kết giữa nhà nghiên cứu với doanh nghiệp…

Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến doanh nghiệp đều nhất trí với các ý kiến đánh giá cũng như đề xuất trong đề án. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng các đánh giá cần đưa ra số liệu cụ thể về quy mô của công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, có so sánh với một số nước lân cận cũng như nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí để doanh nghiệp chủ động lên phương án đầu tư, sản xuất…

Khải Kỳ
LIÊN KẾT
FANPAGE