TBCKVN - Hà Nội, TP. HCM… là một trong những địa phương đón phần lớn lượng di cư từ các tỉnh thành khác đổ về. Áp lực đô thị cũng từ đây mà xuất hiện. Nếu bài toán giãn dân không được giải quyết sớm, rất có thể gánh nặng cho không chỉ các thành phố lớn, mà ngay cả địa phương cũng trở nên nặng nề và nan giải.
Những “sư đoàn” người di cư
Xét về bản chất, xu hướng di dân thường tập trung ở các địa phương có kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, tập trung doanh nghiệp cao, hội tụ nhiều trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện... Dòng di cư này đang ngày càng khiến các đô thị trở nên quá tải, gây áp lực lớn lên hệ thống giao thông, y tế, giáo dục…
Thống kê của Viện Nghiên cứu thế giới về Kinh tế Phát triển thuộc Đại học Liên Hợp quốc UNU – WIDER cho thấy, trong 20 năm qua, số lượng người Việt Nam di cư từ nông thôn lên các TP đã tương đương với dân số của cả một TP lớn (ước tính vào khoảng 6 triệu người).
(Nguồn: Unuwider) |
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Hà Nội và TP.HCM có tỉ lệ người di cư đến lớn nhất, với tỉ lệ lần lượt là 26,55% và 16,51% (theo số liệu ghi nhận vào năm 2012). Điều này củng cố thêm nhận định rằng di cư thường có xu hướng tập trung ở các đô thị lớn.
Cùng với đó, độ tuổi “ly hương” cũng được trẻ hóa khi ngày càng có nhiều thanh niên, thậm chí chỉ là học sinh cấp 2, 3 lên thành phố học tập và lao động. Đối với các sinh viên, hầu hết sau khi tốt nghiệp đều chọn ở lại các thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM để tìm việc.
Với riêng TP. HCM, các số liệu điều tra di dân đã chỉ ra, bình quân mỗi năm, đô thị này lại tăng thêm 200.000 người có đăng ký chính thức; 2/3 số này là dân nhập cư.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư con số nêu trên thực chất chưa bao khách vãng lai và lao động thời vụ (dao động từ 1-2 triệu người). Chính những sự gia tăng này khiến sự quá tải về hạ tầng, bệnh viện, trường học, làm xuất hiện nhiều khu nhà ổ chuột, lấn chiếm, không phép, chất lượng sống người dân bị giảm sút…
Dự báo đến năm 2025, dân số Tp. Hồ Chí Minh sẽ tăng lên hơn 10 triệu dân và 20 năm sau đó có thể lên đến 15 triệu dân. Số người nhập cư vào các thành phố lớn để tìm việc làm chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo nghề, có trình độ học vấn rất thấp, học vấn cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tương ứng tỉ lệ có việc làm là 70%, 60% và 58%.
Sự di dân ồ ạt dẫn đến áp lực nặng nề về nhà ở và môi trường sống |
Bắt đầu từ…
Nhìn chung, mục tiêu của phần lớn người di cư tạm thời là để phục vụ cho công việc và học tập (lên đến hơn 90% những người di cư tạm thời là thuộc nhóm này).
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền cho rằng, công nghiệp hóa ở Việt Nam được thực hiện rải đều ở các địa phương. Từng tỉnh, thành đua nhau xây dựng bến cảng, sân bay, khu công nghiệp, giao thông nội bộ của tỉnh mà ít chú trọng đến sự liên kết giữa các địa phương. Với một số địa phương khác, mặc dù quy hoạch được các khu công nghiệp song thu hút được doanh nghiệp kém hiệu quả, không tạo ra được việc làm tại chỗ nên quá trình di cư ngày càng diễn ra nhanh chóng.
Theo ông Điền, vòng lẩn quẩn của di cư là do không có việc làm tại địa phương nên di cư đến nơi khác. Từ đó, tạo ra sự thiếu hụt lao động đối với địa phương, dẫn đến thiếu nguồn lực cần thiết, không tạo sức hút để kéo các dự án, doanh nghiệp về địa phương và tiếp tục thúc đẩy dòng di cư.
Theo Th.s Phạm Thanh Thôi, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM, nguyên nhân tạo ra “cơn lốc” di cư của thanh niên từ nông thôn ra thành thị một phần do quá trình đô thị hóa đã làm nhiều hộ dân mất đất.
Đất nông nghiệp cũng là một nhân tố dẫn đến những cuộc di cư |
Thực tế, nhiều người vẫn kì vọng vào môi trường sống văn minh tại các thành phố lớn. Đây có lẽ là một xu thế thời hiện đại góp phần đẩy nhanh tốc độ di dân và chuyển dịch nguồn lao động lại nhiều khu vực.
Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi chiến lược phát triển ở cả những đô thị lớn lẫn địa phương vùng nông thôn. Đây là phương án nhằm cân đối không gian đối với các đô thị nhỏ và vừa đồng thời thúc đầy nguồn lực phát triển cho các địa phương và hạn chế di cư ồ ạt dẫn đến mất kiểm soát.
Thay đổi chiến lược
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều gặp phải tình trạng di cư trong quá trình công nghiệp hóa. Các nước này thường ưu tiên xử trí bằng cách xây dựng các địa phương vệ tinh chia thành nhiều cấp để thực hiện giãn dân về các vùng vệ tinh.
Để người dân không tập trung về các đô thị lớn, trước hết cần thực hiện phát triển kinh tế theo quy hoạch các vùng với việc xác định rõ địa phương hạt nhân (TP. HCM, Hà Nội…) chỉ đảm nhận phân khúc nghiên cứu, thiết kế và phân phối; các địa phương khác thực hiện chức năng cung ứng đầu vào, sản xuất.
Ngoài ra, để giảm bớt dòng người xuất cư, các vùng nông thôn làm nông nghiệp nên đẩy mạnh các mô hình sản xuất hợp tác, hợp tác xã với tổ chức vận hành chuyên nghiệp và ổn định để thực hiện tốt chức năng cung ứng đầu vào cho các nhà máy chế biến tại các vùng vệ tinh. Đồng thời, cần chú trọng chính sách đẩy mạnh khởi nghiệp ở các vùng nông thôn trong các lĩnh vực địa phương có thể. Việc này góp phần tạo ra công ăn việc làm tại chỗ, sẽ tác động tích cực vào quá trình giãn dân, hạn chế di cư.
Muốn làm được như vậy, Trung ương cần phân cấp mạnh cho các địa phương trong việc thực thi chính sách trợ giúp doanh nghiệp khởi nghiệp. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương sẽ thực hiện các biện pháp trợ giúp khởi nghiệp đến từng làng, xã bằng những chương trình cụ thể…
Ngoài ra, cũng cần xác định các dịch vụ hỗ trợ như trường học, giao thông, hạ tầng, hạ tầng thông tin, bệnh viện… thích hợp cho mỗi vùng. Nhất là nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học địa phương sinh viên giảm sự tập trung về các thành phố lớn.
Nam Thiên
http://tbck.vn/dang-sau-con-loc-di-cu-23684.html