Chương trình kích cầu đầu tư: cơ hội cho doanh nghiệp TPHCM

Date: - View: 1184 - By:
TS Huỳnh Thanh Điền
Thứ Tư,  2/12/2015, 10:01 (GMT+7)
Chia sẻ: 



 

(TBKTSG Online) - Khó khăn mang tính cố hữu của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là rơi vào “vòng luẩn quẩn” của năng lực cạnh tranh kém do hạn chế về vốn đầu tư đổi mới công nghệ. Để tháo gỡ phần nào khó khăn này, TPHCM vừa ban hành chương trình kích cầu đầu tư, nhắm đến các DNNVV, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Chương trình khuyến khích doanh nghiệp dệt may chuyển từ sản xuất gia công sang tự chủ về thiết kế, thương hiệu thông qua ưu đãi lãi vay cho các dự án thiết kế sản phẩm công nghiệp. Ảnh Thành Hoa

Từ năm 2011, TPHCM đã ban hành Quyết định 33/2011/QĐ-UBND về chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nhưng số doanh nghiệp tiếp cận được các ưu đãi từ chính sách còn nhiều hạn chế, đặc biệt là DNNVV, do chính danh mục sản phẩm và điều kiện ưu đãi chưa hướng đến chúng.

Nhận thức được điều đó, TPHCM vừa ban hành Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 về chương trình kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ lãi vay đầu tư cho doanh nghiệp, đặc biệt là hướng đến DNNVV gắn với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo quyết định này, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tập thể đầu tư thuộc các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, thương mai dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá và thể thao, phát triển hạ tầng và môi trường được hưởng ưu đãi về lãi vay đầu tư từ ngân sách Thành phố.

Điểm mới đáng lưu ý trong chương trình kích cầu mới là nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử, công nghệ thông tin; chế biến tinh, lương thực thực phẩm; hóa dược, cao su) và 2 ngành truyền thống là dệt may và giày da đều được hưởng ưu đãi lãi 100% vay đầu tư (danh mục cụ thể tại Phụ lục 2- Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015). Đối tượng chủ yếu đầu tư sản xuất các sản phẩm nằm trong danh mục ưu đãi phần lớn là DNNVV.

Ngoài ra, chương trình kích cầu cũng nhằm đến mục tiêu tạo lập thị trường cho DNNVV như ưu đãi cho các dự án đầu tư trung tâm triển lãm, giao dịch nguyên phụ liệu dệt may, giày da; xây dựng các hệ thống bán lẻ hàng hoá.

Chương trình còn khuyến khích doanh nghiệp chuyển từ sản xuất gia công sang tự chủ về thiết kế, thương hiệu thông qua ưu đãi lãi vay cho các dự án thiết kế sản phẩm công nghiệp, (Mục 2- Phụ lục 1, mục 1-phụ lục 3 của Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015).

Hiểu được những khó khăn của DNNVV trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi, TPHCM còn cải tiến quy trình thủ tục xử lý hồ sơ đăng ký tham gia chương trình kích cầu, sao cho thật đơn giản, rõ ràng. Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ (thuộc Sở Công thương) có chức năng làm đầu mối tiếp nhận, xử lý các hồ sơ đăng ký chương trình kích cầu đối với các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (nhiệm vụ này quy định rõ tại Điều 13 - Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND ngày 30/10/2015).

Chương trình kích cầu là chính sách biểu hiện quyết tâm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với DNNVV; tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư đổi mới công nghệ và tăng cường năng lực tiếp cận của DNNVV với danh mục sản phẩm cụ thể, quy trình đơn giản, có đầu mối tiếp nhận và tư vấn doanh nghiệp tiếp cận ưu đãi rõ ràng. Có thể nói đây là chính sách hỡ trợ DNNVV thiết thực nhất, khả thi nhất từ trước đến nay của cả nước.

Vấn đề quan trọng nhất nhất hiện nay là cần củng cố niềm tin của DNNVV về các chính sách ưu đãi. Một chính sách không thể phát huy hiệu ứng chỉ từ nỗ lực một phía của chính quyền mà còn phải dựa vào niềm tin và năng lực tiếp cận của doanh nghiệp.

Các DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ muốn thoát khỏi vòng luẩn quẩn của năng lực cạnh trạnh kém do thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ, trước hết nên định hướng chiến lược đổi mới công nghệ, nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của chương trình kích cầu, chủ động liên hệ đến Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ của TPHCM để được tư vấn về điều kiện, thủ tục được hưởng ưu đãi.

Sự kết hợp giữa nỗ lực của chính quyền về chính sách và sự hưởng ứng nhiệt tình của doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hoá của TPHCM.

LIÊN KẾT
FANPAGE