Chú trọng cập nhật thông tin, nâng cao chất lượng lao động

Date: - View: 1424 - By:

(Thanh tra) - Đó là 2 vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong buổi Tọa đàm Giáo dục nghề nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại TP Hồ Chí Minh, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức ngày 23/11.

Chú trọng cập nhật thông tin, nâng cao chất lượng lao động
Tọa đàm thu hút nhiều doanh nghiệp XKLĐ và các trường đào tạo nghề tham dự. Ảnh: CT

Tại tọa đàm, một số vấn đề liên quan tới cập nhật thông tin tuyển dụng, thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ), nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp giành được nhiều ý kiến quan tâm trao đổi.

Về thực trạng thị trường XKLĐ hiện nay, ông Lê Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề TP cho biết các trường rất thiếu thông tin trong việc đưa người lao động ra nước ngoài, thông tin về thị trường XKLĐ và thông tin về các doanh nghiệp XKLĐ. Quan hệ giữa trường và các doanh nghiệp này còn lỏng lẻo. 

Ông Bình cũng cho biết thêm, mỗi doanh nghiệp XKLĐ lại có định hướng, nhu cầu khác nhau nên việc đào tạo cũng rất khó đáp ứng. Ngoài ra, đối với sinh viên có định hướng XKLĐ cũng rất đắn đo vì thiếu thông tin về các doanh nghiệp XKLĐ, nên cung - cầu chưa đạt hiệu quả cao.

Đề giải quyết những vấn đề trên, ông Bình cũng kiến nghị một cơ chế phối hợp 3 bên bao gồm cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thông tin về thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn cả ngoài nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: CT

Một vấn đề khác cũng được quan tâm trao đổi, đó là chất lượng lao động. Lãnh đạo một trường dạy nghề TP cho biết, muốn XKLĐ có hiệu quả thì đào tạo lao động phải chất lượng hơn nữa. Nghĩa là xuất khẩu tinh chứ không xuất khẩu thô như hiện nay. Thế mạnh cạnh tranh của chúng ta không nằm ở lao động có tay nghề cao mà là lao động phổ thông, trong khi lợi ích thu về thấp hơn rất nhiều…

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP cho biết, đây là một thực tế tồn tại trong nhiều năm qua. Việc đánh giá doanh nghiệp XKLĐ nào là uy tín, mạnh yếu ra sao thì vẫn chưa có thống kê. Vì thế, rất cần một hệ thống đánh giá chất lượng XKLĐ và phải cập nhật thường xuyên, để loại bỏ những tiếng xấu, lừa đảo trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - Thành viên Nhóm Tư vấn Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP chia sẻ, từ việc thiếu thông tin giữa nhà trường và doanh nghiệp đã dẫn tới tình trạng các trường đào tạo nghề loay hoay tìm đầu ra cho sinh viên, còn nhiều doanh nghiệp XKLĐ hiện nay lại vất vả đi tuyển dụng bên ngoài, rồi mất thêm thời gian để đào tạo cho đủ chuẩn rồi mới xuất khẩu được. 

Từ năm 2011 - 2016, TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đã đưa 55.643 lao động Việt Nam xuất cảnh sang làm việc tại nước ngoài, trong đó lao động có hộ khẩu tại TP hơn 4.000 người, chiếm 7,28%. Qua số liệu thống kê cho thấy thị trường thu hút nhiều người lao động đi làm việc là Nhật Bản (31.257 người), Đài Loan (12.630 người), Malaysia (4.883 người) và Hàn Quốc (3.595 người). Người lao động đi làm việc ở nước ngoài tập trung ở những lao động có tay nghề thuộc các ngành may mặc, chế biến thực phẩm, lắp ráp điện tử, thuyền viên làm việc trên các tàu vận tải biển, tàu đánh cá... 

Ông Điền cũng cho rằng, TP đang bỏ qua một nguồn lực rất quan trọng là những người đã đi XKLĐ xong quay trở về nước. Đây là nguồn kiến thức và kinh nghiệm rất phong phú về việc lao động ở nước ngoài, yêu cầu gì, điều kiện gì thì phát triển được trong công việc. Vậy tại sao doanh nghiệp XKLĐ và các trường không kết nối với những người này để thiết kế chương trình đào tạo, nắm bắt nhu cầu, xu hướng, kỹ năng, nghiệp vụ... Các doanh nghiệp FDI hiện đang rất quan tâm các nhân sự này, trong khi nhiều công ty mẹ ở các nước XKLĐ đưa những người này về nước rồi giao cho những công việc quan trọng ở các chi nhánh, công ty con… Một vấn đề khác cũng được quan tâm trao đổi, đó là vấn đề chất lượng lao động. 

Đại diện một doanh nghiệp XKLĐ cũng cho rằng hiện nay các trường đào tạo nghề có 4 lỗ hổng: thiếu kỹ năng chuyên môn, tiêu chuẩn làm việc chưa nghiêm ngặt, kỹ thuật công nghệ lạc hậu và giải quyết việc làm sau học nghề.

Một vấn đề khác đang là rào cản cho việc thu hút học sinh các trường nghề tham gia XKLĐ là chi phí ban đầu. Ông Nguyễn Xuân Lanh - Trợ lý Giám đốc Công ty XKLĐ Esuhai cho biết, khoản tài chính bình quân cho việc này khoảng 80-100 triệu đồng. Dù quy định chỉ ở mức 3.600 USD, nhưng thực tế các mức đặt cọc và chi phí khác ở nhiều nơi cao hơn. Nhiều em sau khi học xong, muốn tự lực nhưng không đủ tiền. Nhiều em hoàn cảnh khó khăn. Các trường thì cũng không lo nổi. Đây thực sự là một rào cản, nhiều sinh viên muốn đi nhưng không có khả năng tài chính để đi. Do đó, cần có chính sách, khả năng phối hợp với ngân hàng, các nguồn quỹ như thế nào để hỗ trợ. Thu nhập từ XKLĐ, như ở Nhật tương đối cao (20-30 triệu), nên khả năng trả nợ là hoàn toàn trong tầm tay.

Bà Trần Lê Thanh Trúc - Phó phòng Việc làm Sở LĐ-TB&XH cho biết, Sở đang tham mưu UBND TP ban hành kế hoạch hỗ trợ lao động ra nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Ưu tiên trước cho các hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, diện chính sách. Các trường hợp không thuộc diện này cũng có thể vay tín chấp ở mức vừa phải khoảng dưới 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP cho biết, trong thời gian tới, bên cạnh việc giảm các thủ tục cho hoạt động dạy nghề, Sở sẽ trình cho UBND TP đề án để đẩy mạnh nâng cao trình độ giáo viên về mặt phương pháp sư phạm, đào tạo ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các doanh nghiệp XKLĐ hỗ trợ TP trong việc rà soát, quy tụ lại lực lượng người XKLĐ đã về nước. Đây là nguồn lực rất lớn mà chúng ta vẫn chưa đánh giá đúng. Sở cũng sẽ tổ chức hoạt động để quy tụ các doanh nghiệp XKLĐ ngồi lại với nhau để cung cấp thông tin lẫn nhau, giải quyết tình trạng mù thông tin như hiện nay.

 Chu Tuấn/ Báo Thanh Tra

LIÊN KẾT
FANPAGE