Tại buổi tọa đàm, đa số các ý kiến được đưa ra đều tập trung nêu lên những khó khăn trong công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là các vấn đề về tài chính, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là vấn đề tuyển sinh. Hiện nay đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn ngại tự chủ tài chính do lo sợ không thu hút được học sinh, không có nguồn thu để chi thường xuyên. Do đó cần có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế trong việc giao quyền tự chủ tài chính; cũng như quy định mức khung học phí, chế độ miễn giảm học phí, học bổng để các trường thu đủ bù chi. 

 

Thầy Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nêu kiến nghị tại tọa đàm.

 

Theo Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện thành phố có 392 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 52 trường cao đẳng, trung cấp công lập và chỉ có duy nhất Trường CĐ Kỹ nghệ II được Chính phủ ký quyết định thí điểm cơ chế tự chủ từ năm 2016. Năm 2017, thành phố tuyển sinh khoảng 400.000 học sinh, sinh viên, trong đó 50.000 học sinh, sinh viên đang tham gia học nghề. 

Do đó, theo nhiều đại biểu để thực hiện tự chủ, sẽ gặp phải nhiều thách thức, trở ngại khó vượt qua, bởi không được tự chủ hoàn toàn về nhân sự hay chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, sự chưa rõ ràng trong quản lý nhà nước và quản lý sở hữu cũng đang bó buộc các trường trong việc quyết định hướng hoạt động, chương trình phát triển; sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trường đại học đang đẩy hệ thống trường cao đẳng, trung cấp vào thế khó khi tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Là trường có nhiều kinh nghiệm và thành công trong tự chủ tài chính, Phó hiệu trưởng Bùi Văn Hưng, Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ II cho hay, từ khi trường thực hiện cơ chế tự chủ về quản lý, tài chính cũng như liên kết đào tạo, thì các cán bộ nhân viên của trường cũng dành toàn tâm toàn lực để giảng dạy, không còn chạy vòng ngoài như trước đây. 

Năm 2017 trường tuyển sinh được hơn 2.000 sinh viên, tăng 500 sinh viên so với năm 2016. Tuy nhiên để thu hút thêm được sinh viên theo học thì yêu cầu học phí các trường phải như nhau, để đảm bảo được sự công bằng trong giáo dục, không nên có những trường công đóng học phí quá thấp so với mặt bằng chung như hiện nay.

 TS Huỳnh Thanh Điền phát biểu tại tọa đàm.

 

“Xu thế tự chủ đến năm 2021 là tất yếu, lúc đó sẽ có sự phân tầng. Như vậy, chúng ta không cần làm quy hoạch nữa, chính sự tự chủ đó sẽ dẫn đến việc đào thải các đơn vị không đạt và định hướng cho quy hoạch của mình”, thầy Bùi Văn Hưng chia sẻ.

Trao đổi về những khó khăn thách thức, thầy Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Nên có cơ chế riêng cho doanh nghiệp, chẳng hạn như khi doanh nghiệp nhập máy móc trang thiết bị về trường phục vụ giảng dạy thì được miễn thuế hoặc những sản phẩm của họ khi đưa ra thị trường sẽ được miễn thuế, có như vậy các trường mới tự chủ được.

Trong khi đó, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương cho rằng: Tự chủ là cần thiết nhưng cũng phải đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó vấn đề lương giáo viên là việc cần phải giải quyết, làm sao đảm bảo cho đội ngũ này sống được bằng lương của mình, và cái khó khăn nhất hiện nay vẫn là vấn đề tuyển sinh.

Để tự chủ hoàn toàn thì bộ máy tổ chức nhân sự phải do hội đồng quản trị nhà trường quyết định, như vậy tốt hơn là tự chủ một phần về tài chính. Tự chủ sẽ giúp trường quyết định nhiều thứ, điều này sẽ giúp khâu tuyển sinh tốt hơn, bà Phạm Quang Trang Thủy cho hay.

Cho rằng quá trình chuyển sang tự chủ còn chậm do còn nhiều sự không rõ ràng về khái niệm tự chủ, TS Huỳnh Thanh Điền, Thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ TP Hồ Chí Minh cho biết, tự chủ thì các trường sẽ được tự quyết trong tất cả các hoạt động của mình mà không cần phải xin chờ duyệt từ cấp trên và như vậy các trường sẽ năng động hơn trong việc chủ động liên kết, đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, các trường cần có nguồn thu thì mới hoạt động được, nếu trường nào hoạt động không tốt thì buộc phải giải thể.

Tuy nhiên, hiện nay các trường không tuyển sinh được cho nên mới ngại tự chủ vì không có đủ kinh phí để hoạt động. Nhưng ngại tự chủ như vậy thì vẫn tiếp tục sống bằng ngân sách nhà nước rót xuống. Và khi ngân sách rót xuống như vậy sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng kém năng động, kém sáng tạo. Chất lượng kém thì không tuyển sinh được. Như vậy, các trường đang tự mình rơi vào vòng luẩn quẩn, TS Huỳnh Thanh Điền nhận định.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề tuyển sinh, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động và Xã hội thành phố nhận định: Các trường lo lắng việc tự chủ rất có thể dẫn đến nguy cơ không tuyển sinh được, vì tâm lý của cả xã hội không muốn học nghề mà chú ý đến đại học nhiều hơn. Bên cạnh đó nguồn thu học phí thấp, nếu thu cao sẽ không có người vào học nghề. 

Nếu không tự chủ tài chính thì họ chỉ tuyển sinh và dạy những cái gì mà trang thiết bị họ có. Hiện nay các trường vẫn chưa tuyển sinh theo nhu cầu của người học. Bên cạnh đó trình độ giáo viên chưa đạt chuẩn so với ngành nghề của khu vực. Do đó, sắp tới sẽ có những chương trình đào tạo để cử giáo viên ra nước ngoài học. Ngoài ra, sẽ căn cứ theo luật, quy định trong vòng 2 năm, trường tuyển sinh không được thì sẽ bị thu hồi, ông Đặng Minh Sự khẳng định.

Tự chủ tài chính trong các trường cao đẳng và trung cấp công lập là chủ trương đúng đắn, tuy không thể có mẫu chung về tự chủ phù hợp cho tất cả các trường nhưng để thực hiện công tác này có hiệu quả phải có sự thống nhất về quan điểm, nội dung và mục tiêu để đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo. Bởi hạn chế của hệ thống giáo dục Việt Nam là người học đang thiếu kỹ năng nghiệp vụ, xử lý tình huống.

 THU HÀ/ Báo quân đội nhân dân