VẬN DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Date: - View: 1101 - By:

TS Huỳnh Thanh Điền

Trong bối cảnh hội nhập với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đan xen với các cuộc chiến tranh thương mại song phương, và cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy di chuyển và kết nối nguồn lực dễ dàng. Bài toán nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp không chỉ gói ghém trong phạm vi thành phố hoặc quốc gia, mà cần tính đến nguồn lực của toàn cầu. Tận dụng cơ hội để phát triển hay bị nhấn chìm bởi thách thức là vấn đề của doanh nghiệp. Nhà nước có vai trò trong việc tạo môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp kết nối nguồn lực phát triển. Với cơ chế đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chủ động hơn trong việc thực hiện vai trò tiếp sức doanh nghiệp phát triển.

1. Giới thiệu

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đan xen với chủ nghĩa bảo hộ, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tao ra nhiều phương thức kinh doanh mới, nguồn lực tự do di chuyển tạo ra nhiều thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp vận dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề hạn chế nguồn lực, thị trường không còn là cản trở phát triển của doanh nghiệp, mà vấn đề chủ yếu là năng lực kết nối và sử dụng nguồn lực. Chính sách nhà nước giữ vai trò quan trọng thúc đẩy năng lực khai thác nguồn lực và sử dụng nguồn lực để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cuối năm 2017, Quốc hộ đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội). Với cơ chế đặc thù giúp thành phố chủ động hơn trong việc sáng tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Mục tiêu bài viết nhằm gợi ý một số cơ chế chính sách thúc đẩy doanh nghiệp của Thành phố sử dụng nguồn lực toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước hết là nhận diện xu hướng di chuyển và cơ hội sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Kế đến là đánh giá năng lực khai thác nguồn lực toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Thành phố. Từ đó, gợi ý chính sách giúp Thành phố vận dụng cơ chế đặc thù để tiếp sức doanh nghiệp phát triển

2. Nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh mới

Những năm gần đây, Việt Nam tham ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với cách mạng công nghệ lần thứ 4 thúc đẩy dòng vốn, lao động và các nguồn lực phục vụ sản xuất di chuyển qua lại giữa các quốc gia nhanh chóng. Bài toán phát triển kinh tế hiện nay không chỉ gói ghém trong các nguồn lực của địa phương, quốc gia mà cần tính đến khả năng kết nối và sử dụng nguồn lực trên toàn cầu. Thiếu nguồn lực cho phát triển không còn là khó khăn, mà cản trở chủ yếu thuộc về năng lực kết nối, thích ứng, huy động nguồn lực toàn cầu phục vụ cho quá trình phát triển.

Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 là sự hội tụ của Internet kết nối vạn vật (IoT), robot cộng tác với con người, công nghệ vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, in 3D…. Nhờ vào sự kết hợp của các nền tảng công nghệ này có sáng tạo ra nhiều giải pháp công nghệ ở tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh: thiết kế sản phẩm, chào bán, tiếp nhận đơn hàng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, giao hàng, thanh toán diễn ra rất nhanh chóng. Theo đó, xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới với sức cạnh tranh vượt trội so với những cách làm ăn truyền thống của các doanh nghiệp lớn. Doanh nghiệp không còn gặp khó khăn về nguồn lực cho các ý tưởng kinh doanh nếu biết kết nối và khai thác hiệu quả nguồn lực toàn cầu.

Năng lực kết nối, sử dụng nguồn lực toàn cầu phục vụ cho dự định kinh doanh của doanh nghiệp này phụ thuộc vào cơ chế chính sách quản lý kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và trình độ tinh thông của doanh nghiệp, người lao động của quốc gia đó. Năng lực khai thác nguồn lực toàn cầu của Việt Nam còn hạn chế, trong khi đó doanh nghiệp trên thế giới khai thác nguồn lực của Việt Nam vượt trội hơn. Đây là vấn đề cần lưu ý khi ban hành những chính sách tiếp sức doanh nghiệp trong thời gian tới.

3. Năng lực khai thác và sử dụng nguồn lực toàn cầu của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh

3.1. Lĩnh vực hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư của Thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh có lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ đóng góp 62% trong GRDP, công nghiệp chỉ chiếm 18% trong GRDP (số liệu 9 tháng đầu năm 2018). Số doanh nghiệp đang hoạt động và thành lập mới trong lĩnh vực dịch vụ luôn tăng nhanh hơn và chiếm tỷ trong cao hơn so với lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng kém hấp dẫn doanh nghiệp. Tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến tạo của Thành phố đều giảm và tăng trưởng thấp. Điều này cho thấy Thành phố ngày càng mất đi lợi thế so sánh so với các địa phương khac trong thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp. Thay vào đó, những ngành thương mại như vận tải kho bãi tăng, lưu trú, ăn uống, dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế tăng,… đang dần dần trở nên có lợi thế. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ là ngành có cơ hội tăng trưởng tốt trong bối cảnh hội nhập và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhất là đối với lĩnh vực bán lẻ đóng góp nhiều nhất trong giá trị ngành thương mai dịch vụ (18%).

Tính hấp dẫn của Thành phố đối với thương mại, dịch vụ cao, nhưng kém hấp dẫn đối với ngành ngành công nghiệp qua tình hình thu hút đầu tư. Trong 9 tháng đầu năm 2018 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư chỉ chiếm 22,8%. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 20,2%,  thương mại 263 chiếm 27,7%, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 13,4%.

3.2. Năng lực thích ứng với bối cảnh kinh doanh mới của doanh nghiệp Thành phố

Để tận dụng cơ hội từ FTAs, doanh nghiệp cần trang bị năng lực phòng vệ nhằm bảo vệ trên thị trường nội địa và mở rộng thị phần nước ngòai. Doanh nghiệp phải nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đảm bảo điều kiện về xuất xứ, thực hiện tốt các cam kết về lao động, môi trường, quản lý chất lượng. Đồng thời, doanh nghiệp cần liên kết theo chuỗi cung ứng đầu vào – sản xuất – phân phôi để phòng vệ trước sự thâm nhập từ bên ngoài.

Tuy nhiên, phần lớn  doanh nghiệp bản địa lâu nay thiếu định hướng xuất khẩu nên sẽ rất lúng túng trong việc tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường ra bên ngoài. Doanh nghiệp bản địa ở hầu hết các ngành rất chậm thay đổi chiến lược kinh doanh để năng cao năng lực phòng vệ. Quản lý sản xuất không theo chuẩn mực quốc tế, công nghệ lạc hậu, năng lực khai thách thị trường rất yếu,…gây lãng phí trong sản xuất là khá lớn, năng suất lao động thấp nên giá thành cao, chất lượng thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên năng lực cạnh tranh rất kém. Hơn nữa, sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp sản xuất phụ trợ, doanh nghiệp phân phối rời rạc ngay cả trên thị trường nội địa, còn liên kết để đi ra nước ngoài thì không có gì đáng kể, nếu không muốn nói là không có sự liên kết khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Cùng với đó, trình độ sản xuất, công nghệ vẫn còn ở mức thấp nên sẽ rất khó cạnh tranh về giá, chất lượng và thương hiệu trên trường thế giới. Trong khi đó, hàng hóa từ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam với chất lượng, giá cả tốt hơn. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Thành phố nói riêng sẽ đối mặt với nguy cơ mất khách hàng bởi vì hệ thống phân phối nội địa chưa ổn định, tính liên kết chưa cao.

Doanh nghiệp đầu trực tiếp nước ngoài đến Thành phố khai thác nguồn lực để tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh khá tốt, trong khi doanh nghiệp bản địa không kết nối được với họ. Tăng trưởng kinh tế, việc làm và thu nhập người dân ngày càng phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI trong khi công cụ quản lý nhà nước đối với khu vực này chưa hoàn thiện nên tiềm ẩn nhiều rủi liên quan đến rút vốn, trốn thuế, ô nhiễm môi trường, chèn lấn sự phát triển đối với các doanh nghiệp bản địa.

Thành phố Hồ Chí Minh mặc dù tập trung nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong cả nước, nhưng các doanh nghiệp này chưa chú trọng đến việc phát triển mạng lưới cung ứng vệ tinh ở các địa phương trong nước, mà đa phần nhập hàng hóa trung gian từ nước ngoài. Do vậy, chưa tạo ra được nhu cầu cho doanh nghiệp nhỏ ở các địa phương khác phát triển. Các doanh nghiệp của Thành phố hoạt động khá rời rạc, chưa kết nối được với nhau thành chuỗi để hỗ trợ nhau trong phạm vi thành phố lẫn các địa phương khác.

Nhờ vào quy tụ được nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nên nguồn thu ngân sách của Thành phố có sự tăng trưởng khá tốt, luôn là địa phương đứng đầu trong thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc chủ động sử dụng các khoản thu để đầu tư phục vụ phát triển Thành phố gặp nhiều hạn chế. Phần lớn nguồn thu vẫn nộp lên Trung ương rồi xin trở phân phối trở lại để đầu tư phát triển cho các chương trình, dự án công. Với cơ chế quản lý thống nhất từ Trung ương áp xuống cho các địa phương nên có phần mất đi tính chủ động và năng động của thành phố. Thực tế, vai trò của TPHCM chững lại và có dấu hiệu đi xuống so với các thành phố khác trong khu vực.

Tuy vậy, trong cả nước, TPHCM vẫn phát triển vượt trội hơn so với các địa phương khác nhờ những nền tảng sẵn có là đô thị lớn nhất do lịch sử và vị trí địa lý. Sự phát triển vượt trội trong một cơ chế “cào bằng” lâu ngày đã và đang đe dọa đến tính năng động, sáng tạo của TPHCM. Quá trình di dân từ các địa phương khác về TPHCM đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề về giao thông, nhà ở, trường học, bệnh viện...

Đối mặt với thực trạng này, TPHCM đã phải nỗ lực hơn nữa để đầu tư hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học, viễn thông, dịch vụ tài chính, thương mại… để đáp ứng với áp lực tăng dân số, hình thành các thị trường giao dịch hàng hóa, tài chính… , nhưng tốc độ đầu tư diễn ra rất chậm.

4. Phân tích chính sách trợ giúp doanh nghiệp của TPHCM

Trong thời gian qua, Thành phố tích cực trong triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp với các chương trình:  (1) Về cải cách thủ tục hành chính; (2) Thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, tăng cường bảo vệ môi trường; (3) bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; (4) Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực; (4) Hỗ trợ đẩy mạnh xúc tiến thương mại; (5) Chương trình hỗ trợ cung cấp thông tin; (6) Chương trình phát triển thương mại điện tử; (7) Triển khai Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế; (8) Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (9) Chương trình kích cầu thông qua đầu tư; (10) Thực hiện các chương trình hỗ trợ, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến; (11) Hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mặc dù có nhiều chương trình trợ giúp doanh nghiệp, nhưng hoạt động hỗ trợ khá rời rạc nên gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, công tác tư vấn doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ còn hạn chế, chủ yếu được thực hiện bởi đội ngũ cán bộ hưởng lương ngân sách, tính năng động, nhiệt tình chưa cao.

Bên cạnh đó, các chương trình năng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được tổ chức khá rời rạc như tổ chức các lớp học, báo cáo chuyên đề chung chung nên chưa hấp dẫn doanh nghiệp tham gia. Còn thiếu những chương trình trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với đặc thù từng ngành.

Tính năng động của chính quyền Thành phố chưa được đánh gía cao. Năm 2017, chỉ số PCI của thành xếp ở vị trí thứ…8 trên bảng xếp hạng, nhiều chỉ số thành phần tại khảo sát PCI như chi phí không chính thức và chi phí thời gian lại đi theo chiều hướng tiêu cực;  chỉ số minh bạch giảm từ 6,5 điểm hồi năm 2016 về mức 6,16 điểm vào năm 2017. Hơn nữa, tồn tại lớn nhất lớn liên quan đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính còn rườm rà, mất thời gian; thái độ nhũng nhiễu của cán bộ công chức; còn chồng chéo giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Điều này cho thấy tinh thần phục vụ và chất lượng công vụ của Thành phố còn hạn chế.

 

5. Vận dụng cơ chế đặc thù để tiếp sức cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới

5.1. Nhìn rộng hơn về nguồn lực phát triển

Trong phân tích và đề xuất chính sách phát triển doanh nghiệp, cần nhất quan nguyên tắc nguồn lực phát triển trên phạm vi toàn cầu, không chỉ gói ghém trong phạm vi thành phố và địa phương. Trong đánh giá năng lực cạnh tranh, so sánh các tiêu chuẩn ngành, công nghệ, nhân lực, thị trường,… cần đặt trong lợi thế so sánh trên phạm vi toàn cầu. Đồng thời nguồn lực phát triển các chương trình, dự án cũng nên tính đến khả năng huy động nguồn lực toàn cầu và xu hướng công nghệ mới. Khi phóng tầm nhìn rộng hơn về nguồn lực phát triển, Thành phố sẽ dễ dàng đề ra nhưng mục tiêu, chương trình, dự án lớn hơn, xa hơn.

5.2. Phát triển doanh nghiệp trong bối cảnh mới

Doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp quyết định việc làm, thu nhập, đóng góp vào nguồn thu ngân sách, phát triển khoa học công nghệ, trình độ nguồn nhân lực và tác động đến các vấn đề môi trường, xã hội. Để ứng phó với tình hình mới, doanh nghiệp cần có tư duy toàn cầu về các tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm, phương thức phân phối để đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất, phát triển năng lực khai thác thị trường tốt hơn. Doanh nghiệp cần tái lập lợi thế mới cho phù hợp với hội nhập quốc tế thông qua tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị doanh nghiệp.

Cần đầu tư hạ tầng, dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xây dựng các cụm liên kết ngành mở để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Từ đó, đề ra cơ chế chính sách thúc đẩy, thu hút doanh nghiệp. Cần quan tâm đến vai trò của doanh nghiệp dẫn dắt, tập hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo nền tảng cho sản xuất công nghiệp, kiến tạo cơ hội cho doanh nghiệp làm ăn, cũng như định hướng thu hút FDI theo hướng tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển phù hợp với bối cảnh kinh doanh mới.

5.3. Điểm đột phá trong chính sách tiếp sức doanh nghiệp phát triển

Thứ nhất, tích cực cải cách hành chính và tạo động lực cho các bộ công chức nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.

Để tiếp sức phát triển doanh nghiệp trong tình hình mới, cần trọng tâm vào việc xây dựng chính quyền với tinh thần kiến tạo và phục vụ cao nhất. Đồng thời cần trọng tâm vào việc nâng cao động lực và đảm bảo kỷ cương độ ngũ các bộ quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi chính sách phát luật điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế.

Trong thời gian qua có nhiều cơ chế chính sách trợ giúp doanh nghiệp. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận chính sách ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp còn hạn chế. Đồng thời, cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế. Do vậy, cần tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ trở ngại cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, chính sách thu ngân sách cần tầm nhìn dài hạn

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp và trao quyền chính quyền cấp quận/huyện, phường/xã để phát huy tính năng động và sáng tạo trong quản trị nhà nước. Tâp trung cải cách mạnh mẻ tinh thần phục đối với các cơ quan trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, cần tạo ra cơ chế chính sách hạn chế đầu cơ, khuyến khích đầu tư để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, phân phối thu nhập hiệu quả. Bởi hoạt động đầu cơ sẽ đóng băng tài sản (nhất là bất động sản) sẽ tạo nên sự khan hiếm mặt bằng sản xuất xuất, đẩy giá mặt bằng lên cao; các hoạt động đầu cơ khác như tiền ảo cũng tạo tổn thất cơ hội về thời gian và nguồn lực xã hội dành cho hoạt động đầu tư thực.

Đề ngăn chặn đầu cơ cần sử dụng đòn bẩy kinh tế theo nguyên đầu cơ phải trả tiền, và tham gia đầu cơ sẽ khó khăn hơn hoạt động đầu tư thực. Theo đó, đánh thuế cao, thậm chí là thuế chồng thuế, phí chồng phí đối với các hành vi đầu cơ, để người ta phải trả nhiều tiền hơn khi thực hiện hành vi gây nguy hại cho nền kinh tế. Chẳng hạn như đánh thuế tài sản lên đối tượng đầu cơ bất động sản sẽ góp phần tích cực hạn chế việc đầu cơ bất động sản, tạo cơ hội nhà ở cho nhiều người dân hơn.

Khi đánh thuế tài sản bất động sản, cần lưu ý chỉ đánh vào đối tượng có hành vi đầu cơ. Hoạt động đầu cơ và mua nhà cho thuê của cá nhân thực chất là hoạt động kinh doanh nên phải chịu thuế tương tự như DN chịu thuế thu nhập DN. Vì là hoạt động kinh doanh bất động sản cá nhân, khó biết được lợi nhuận chịu thuế, không thể đánh thuế thu nhập DN nên thay thế bằng thuế tài sản. Đối với DN đăng ký kinh doanh bất động sản thì không đánh thuế tài sản, bởi họ đã nộp thuế thu nhập DN. Với chính sách thuế tài sản này, sẽ tạo bình đẳng cho 2 đối tượng DN và cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản. Để một chính sách thuế hiệu quả, cần đi kèm với thắt chặt kỷ cương thu thuế để tạo ra sự bình đẳng giữa các đối tượng chịu thuế.

Thứ ba, bên cạnh đánh thuế vào hoạt động đầu cơ, cần tạo ra nhiều cơ hội và sự lựa chọn đối với các hoạt động đầu tư thực. Chẳng hạn như quy định thuế thấp hơn, nhiều chính sách trợ giúp và tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Cần tạo ra các kênh huy động vốn nhàn rỗi vào các hoạt động đầu tư thực, chẳng hạn như phát triển các quỹ đầu tư để huy động vốn cho các dự án khởi nghiệp. Nếu các quỹ đầu tư hoạt động hiệu quả, thông qua quỹ, nhiều người có vốn nhàn rỗi sẽ góp vốn vào hoạt động đầu tư thực thay vì phải đầu cơ gánh chịu thêm thuế và phí. 

Chính sách tiền tệ giữ vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nguồn vốn, khi đầu cơ càng sôi động thì các tổ chức tín dụng càng có khuynh hướng cho vay đầu cơ nhiều hơn.  Cần định hướng dòng tín dụng đi vào sản xuất, theo nguyên tắc lãi suất cho vay đối với hoạt động đầu cơ luôn cao hơn so với hoạt động sản xuất kinh doanh, hoặc ban hành những quy định khắt khe về điều kiện xét cho vay đối với mục đích đầu cơ.

Hoạt động trợ giúp doanh nghiệp xoay các hỗ trợ về mở rộng thị trường, phát triển công nghệ, nhân lực, quản trị sản xuất, tín dụng,…Để khuyến khích đầu tư, cần xây dựng các chương trình với những mục tiêu, đối tượng, hoạt động cụ thể, đầu mối chủ trì và cơ chế phối hợp. Hoạt động trợ giúp doanh nghiệp cần được chuyên nghiệp hoá theo hướng giao chức năng cho tổ chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhưng hoạt động theo định hướng đơn vị sự nghiệp.

Cần xây dựng chương trình hỗ trợ đặc biệt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực thích ứng với bối cảnh hội nhập và tiếp cận công nghệ 4.0. Xem đây là chương trình đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới.

Thứ tư, kiến tạo cơ chế huy động vốn đầu tư hạ tầng giao thong, logictis, công nghệ. Doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt trong môi trường có dịch vụ công hỗ trợ, giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá, chính quyền thông minh. Quan trọng nhất là kiến tạo ra các dự án công vừa hấp dẫn tư nhân đầu tư, vừa tạo ra tiện ích cho công đồng để khả thi khi thực hiện, góp phần phát triển văn minh đô thị.

Bên cạnh đó, mặt bằng sản xuất kinh doanh đang là trở ngại lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Cần sử dụng cơ chế đặc thù liên quan đến quyết định sử dụng đất để quy hoạch lại mặt bằng, tạo quỹ đất sản xuất kinh doanh cũng là việc nên làm.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ y tế, giáo dục, giải trí và giảm thiểu độc quyền nhà nước đối với những lĩnh vực tư nhân có thể tham gia.

5.4. Tránh rủi ro khi vận dụng cơ chế đặc thù

Rủi ro lớn nhất khi triển khai cơ chế đặc thù là việc chính quyền thiên lệch về các cơ chế gia tang nguồn thu thong qua tang suất thuế, mức phí và lệ phí. Bởi làm như vậy sẽ tạo ra sự hoài nghi đối với cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích mà họ nhận được từ cơ chế đặc thù, sẽ khó lòng khuyến khích họ đồng hành với các chương trình do chính quyền kiến tạo. Trong bối cảnh mới triển khai cơ chế đặc thù nên tạm hoảng việc tăng các suất thuế này. Thay vào đó là gia tang nguồn thu từ các đòn bẩy kinh tế chặn đầu cơ, cổ phần hoá doanh nghiệp, giao đất theo cơ chế minh bạch.

 

 

LIÊN KẾT
FANPAGE