Còn nhớ cách đây 10 năm, nhiều người háo hức đón mong chờ về luồng sinh khí mới cho nền kinh tế khi Việt Nam gia nhập WTO. Với kỳ vọng hàng hoá, dòng vốn, lao động Việt… tự do di chuyển khắp nơi trên thế giới.
Không những thế, với việc thực hiện các cam kết tiến bộ về lao động, môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dùng, quyền sở hữu trí tuê, cải cách thể chế,… hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển văn minh hơn.
Bên cạnh những dấu hiệu lạc quan trên, nhiều người đã đưa ra những cảnh báo về thách thức đối với doanh nghiệp bản địa nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Doanh nghiệp bản địa sẽ gặp phải nguy cơ thất bại cạnh tranh trên sân nhà, bị chèn lấn bởi doanh nghiệp FDI.
Doanh nghiệp bản địa ở hầu hết các ngành rất chậm chạp thay đổi chiến lược kinh doanh để năng cao năng lực phòng vệ. Quản lý sản xuất không theo chuẩn mực quốc tế, công nghệ lạc hậu, năng lực khai thách thị trường rất yếu,…gây lãng phí trong sản xuất là khá lớn, năng suất lao động thấp nên giá thành cao, chất lượng thấp hơn nhiều nước trong khu vực nên năng lực cạnh tranh rất kém.
Hơn nữa, sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất đầu cuối, doanh nghiệp sản xuất phụ trợ, doanh nghiệp phân phối rời rạc ngay cả trên thị trường nội địa, còn liên kết để đi ra nước ngoài thì không có gì đáng kể, nếu không muốn nói là không có sự liên kết khi thâm nhập vào thị trường nước ngoài.
Chẳng hạn như những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam như nông sản vẫn theo đuổi năng suất mà ít quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng, doanh nghiệp Việt còn hạn chế trong công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối và thiếu sự liên kết với nông dân. Nông dân thì rời rạc, sản xuất không nắm quy chuẩn nên nông sản không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng nên không cạnh tranh được với các mặt hàng nhập khẩu. Do vậy, mặc dù nông sản nhập khẩu liên tục tăng, nhưng nông sản nội vẫn khó khăn tìm đầu ra.
Điệp khúc giải cứu nông liên tục được vang lên trong nhiều năm nay.
Chính quyền, các hội ngành nghề vẫn còn thiếu những động thái cụ thể trong việc thúc đẩy liên kết, nâng cao năng lực phòng vệ của doanh nghiệp trước bối cảnh thách thức từ hội nhập.
Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam rất rõ nét bởi sự dẫn dắt của các công ty bán lẻ sẽ ưu tiên phân phối hàng nước họ. Hệ thống phân phối trong nước đang mất dần vào các tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Hệ thống này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với doanh nghiệp nước họ, nhưng bất lợi đối với doanh nghiệp trong nước để đạt chuẩn đưa vào hệ thống phân phối của họ ở Việt Nam. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Aeon Mall của Aeon Group cực kỳ thu hút khách Việt do các chiến lược và đường lối rõ ràng.
Hơn nữa, lâu nay phần lớn doanh nghiệp Việt thiếu định hướng xuất khẩu (xuất khẩu chủ yếu là doanh nghiệp FDI) nên không nắm bắt các tiêu chuẩn của các nước, cũng nhưng không am hiểu đường đi, nước bước khi xuất khẩu. Tuy thuế suất bằng không, nhưng khả năng sản xuất đạt chuẩn để xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối ở các thị trường quốc tế rất hạn chế (nếu không muốn nói là không có khả năng) nên đối mặt với thách thức nhiều hơn là cơ hội.
Khi hàng nước ngoài vào với tiêu chuẩn cao hơn, các mặt hàng thực phẩm an toàn hơn sản phẩm trong nước, các mặt hàng tiêu dùng giá chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá bán thấp hơn (do năng suất sản xuất cao hơn) sản phẩm trong nước,… thì nguy cơ khách hàng nội quay lưng với doanh nghiệp nội cũng là dễ hiểu.
Để ứng phó với tình hình mới, doanh nghiệp cần có tư duy toàn cầu về các tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm, phương thức phân phối để đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất, phát triển năng lực khai thác thị trường tốt hơn. Doanh nghiệp cần tái lập lợi thế mới cho phù hợp với hội nhập quốc tế thông qua tận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp thị, phân phối và quản trị doanh nghiệp. Có lẽ chỉ có việc tạo ra lợi thế mới để vượt lên trong bối cảnh chung ta đã mất quá nhiều lợi thế trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cần chú trong phát triển hệ thống phân phối để giữ vững mặt trận bán hàng Việt; thúc đẩy liên kết từ khâu nguyên liệu, sản xuất, phân phối,… để nâng cao năng lực phòng vệ cho doanh nghiệp Việt; tranh thủ hợp tác với doanh nghiệp FDI để tạo được sự lan toả về công nghệ, tạo nền tản vững chắc cho các ngành công nghiệp,…
Lúc này, cần hướng dòng vốn của tầng lớp trung lưu mới ở Việt Nam chảy vào sản xuất thông qua các biện pháp ngăn chặn đầu cơ, vì dòng vốn chảy vào đầu cơ quá nhiều làm chi phí sản xuất nhất là chi phí mặt bằng tăng cao, chi phí sử dụng vốn cho sản xuất cao. Do vậy, bài toán hạn chế đầu cơ là rất quan trọng vì nó dáng tiếp thổi luồng gió mới cho phát triển sản xuất kinh doanh.