Tư duy nội địa trước đối thủ cạnh tranh

Date: - View: 1340 - By:

Có người cho rằng doanh nghiệp trong nước phản ứng như "những đứa trẻ bị ai đó giật mất miếng bánh" trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Ví von ấy chỉ là tương đối nhưng cho thấy sự bất ngờ, bị động của không ít doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình phát triển bởi còn có "tư duy nội địa" (khách hàng nội địa, đối thủ nội địa, công nghệ nội địa).

Vừa qua, việc dán băng rôn trên xe của một hãng taxi truyền thống để phản đối taxi công nghệ còn chưa bớt "nóng" thì tiếp đến, một số cây xăng đã căng băng rôn "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" khi một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản mở trạm xăng đầu tiên tại Hà Nội. Đó là phản ứng nóng vội, tạo ra tác dụng ngược, làm người tiêu dùng tò mò thêm về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh.

Nhiều người thắc mắc tại sao cái cúi chào của người Nhật khi kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam lại gây ra sự chú ý đối với người tiêu dùng đến như vậy. Bởi vì, các trạm xăng ở ta lâu nay cạnh tranh chỉ nhìn phản ứng của đối thủ, tức trạm xăng này nhìn vào trạm xăng khác để cải tiến dịch vụ. Trước đây có tình trạng đổ xăng thiếu bị khách hàng khiếu nại nên chủ một cây xăng quy định nhân viên phải mời khách hàng nhìn vào đồng hồ đo số lượng, sau đó các trạm xăng khác làm theo.

Quanh đi quẩn lại chỉ có như vậy. Các trạm xăng trong nước đang kinh doanh thiếu chuyên nghiệp nên chất lượng phục vụ chẳng ai hơn ai. Khi trạm bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp nước ngoài tham gia với phong cách phục vụ chuyên nghiệp, như nhân viên rất lịch sự, đo lường chính xác gần như tuyệt đối đã tạo ra sự khác biệt nên thu hút được khách hàng là điều dễ hiểu.

Một sản phẩm cạnh tranh thành công, ngoài chất lượng cao phải đảm bảo sự khác biệt, đem lại tiện lợi tối đa cho khách hàng. Taxi truyền thống chưa đảm bảo được thuộc tính căn bản này. Nhiều người đi taxi truyền thống cảm thấy phiền hà bởi gọi xe chưa chắc đã đến đón, không biết giá trước, giá lại cao, tài xế chạy lòng vòng, đôi khi rất thô lỗ. Taxi công nghệ ra đời với sự minh bạch về giá ngay từ đầu, giá rẻ hơn, thông tin chính xác về tài xế, về số xe được lưu giữ trên smartphone của khách hàng. Như vậy, cớ gì người tiêu dùng lại đi taxi truyền thống!

Khi taxi công nghệ ra đời cũng phải thông cảm cho chủ taxi truyền thống vì họ chưa được đối xử công bằng về điều kiện kinh doanh. Hai loại hình taxi này hoạt động theo hai khung pháp lý khác nhau. Trong khi taxi công nghệ hoạt động theo đề án ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối với hành khách theo hợp đồng thì taxi truyền thống phải đáp ứng rất nhiều điều kiện kinh doanh, như phải đóng nhiều loại thuế, phí, không được chạy một số tuyến đường giờ cao điểm ở Hà Nội... Qua đó cho thấy, để đảm bảo cạnh tranh công bằng thì khung pháp lý phải được áp dụng như nhau giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề.

Ngày nay mọi cải tiến trong kinh doanh phải nhìn vào phản ứng của khách hàng và đối thủ cạnh tranh toàn cầu chứ chỉ mải lo "nhìn vào nhau" thì không tiến bộ được. Làm ăn mà cứ mang "tư duy nội địa" sẽ không còn phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Năm 2018 là năm Việt Nam sẽ mở cửa phần lớn hàng hóa ngoại nhập theo lộ trình cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Với cách phản ứng đối với doanh nghiệp ngoại như vừa kể trên, chứng tỏ nhiều doanh nghiệp nước ta chưa chuẩn bị "tâm thế mới" để ứng phó với cạnh tranh toàn cầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sôi động, thúc đẩy nhiều phương thức kinh doanh mới ra đời, phương thức sản xuất, cách bán hàng thay đổi, cách quản lý doanh nghiệp cũng thay đổi để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới. Do đó, nếu doanh nghiệp nước ta chậm thay đổi tầm nhìn thì khó tồn tại trong bối cảnh mới.

Các tập đoàn nước ngoài khi chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu thị trường, trong đó có hành vi tiêu dùng, cách làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam. Đó cũng là bài học cho doanh nghiệp nước ta.

Cạnh tranh trong kinh doanh là một quy luật. Qua cạnh tranh sẽ thúc đẩy doanh nghiệp học hỏi, cải tiến công nghệ, chất lượng, giá thành, cách phục vụ khách hàng. Nhờ cạnh tranh mà người tiêu dùng có lợi, xã hội cũng có lợi, ngân sách nhà nước cũng có lợi. Để thúc đẩy cạnh tranh, Nhà nước phải tạo ra "luật chơi" đảm bảo công bằng cho mọi doanh nghiệp tham gia thị trường về điều kiện kinh doanh, thuế, tiếp cận dịch vụ công, tiếp cận vốn ngân hàng... Còn doanh nghiệp phải nhìn vào đối thủ, nhìn vào nhu cầu của khách hàng rộng hơn để chủ động tạo ra sản phẩm cạnh tranh.

Tư duy toàn cầu, khách hàng toàn cầu, đối thủ toàn cầu, công nghệ toàn cầu là chuẩn mới mà doanh nghiệp Việt Nam không thể không hướng tới.

 

TS. HUỲNH THANH ĐIỀN
LIÊN KẾT
FANPAGE