Tăng nguồn thu ngân sách, cần tầm nhìn dài hạn

Date: - View: 1334 - By:

TS Huỳnh Thanh Điền - 17/05/2018

thegioitiepthi.vn Đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tăng mức phí sử dụng dịch vụ công, và mới đây là đề nghị tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu... đã bị dư luận phản ứng gay gắt.

Xăng dầu là nguồn năng lượng chủ yếu của kinh tế, chưa có nguồn năng lượng khác khả thi hơn cho người dân và doanh nghiệp lựa chọn

Hội nhập sâu rộng với lộ trình cắt giảm thuế quan theo cam kết, Việt Nam đang đối mặt với thất thu thuế nhập khẩu trong bối cảnh áp lực chi ngân sách để trợ giúp doanh nghiệp, gây nguy cơ thâm hụt ngân sách ngày càng lớn hơn.

Nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt này, nhiều giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách được đề xuất như thông qua việc mở rộng đối tượng chịu thuế, tăng thuế suất và phí các loại. Chẳng hạn như đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, tăng mức phí sử dụng dịch vụ công, phí môi trường,…. Việc này có thể có tác dụng trong ngắn hạn, nhưng tiềm ẩn nguy cơ đối với giảm nguồn thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Cần phân biệt giữa tăng thu ngân sách với tăng các loại thuế suất và mức phí, lệ phí. Nguồn thu ngân sách chỉ có thể tăng bền vững khi giao dịch trong nền kinh tế diễn ra sôi động, thu hút nhiều doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Khi giao dịch trong nền kinh tế sôi động sẽ tăng được thuế giá trị gia tăng, khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và liên tục mở rộng quy mô sẽ tạo nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm và thu nhập nên thu được thuế giá trị gia tăng. Do vậy, sự mạnh dạn đầu tư và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp là gốc rễ tạo nên sự tăng trưởng bền vững nguồn thu ngân sách.

Để khuyến khích nhiều doanh nghiệp gia nhập thị trường và phát triển quy mô, nguyên tắc chung là phải giảm (hoặc giữ nguyên) thuế suất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh thực và mức phí thấp đối với cung cấp dịch vụ công. Việc gia tăng thuế suất và mức phí có thể sẽ gia tăng được nguồn thu trong ngắn hạn bởi doanh nghiệp và người dân chưa kịp điều chỉnh hành vi của mình. Tuy nhiên, trong dài hạn doanh nghiệp sẽ thu hẹp sản xuất hoặc di chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh đến các quốc gia có mức thuế suất, phí thấp hơn. Khi đó, các giao dịch trong nền kinh tế sẽ kém sôi động, giảm cơ hội việc làm và thu nhập nên nguồn thu ngân sách chắc chắn sẽ không tăng như mong đợi.

Thực hiện giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới không hẳn sẽ thất thu ngân sách. Mặc dù, thuế nhập khẩu giảm, nhưng bù lại doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam làm ăn nhiều hơn nên người lao động sẽ tăng được thu nhập, giao dịch trong nền kinh tế sôi động hơn. Theo đó, sẽ tăng được thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng. Nếu vì lý do giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế suất và mức phí thì chẳng những không khuyến khích doanh nghiệp trong nước mà còn tạo sự bất an đối với các nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, nguồn thu ngân sách sẽ khó khăn hơn.

Chẳng hạn như đề xuất đánh thuế môi trường cao nhằm điều chỉnh hành vi của người dân và doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy sử dụng nguồn năng lực, yếu tố đầu vào thân thiện với môi trường, đồng thời tăng được nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, việc tăng thuế môi trường phải cân nhắc đến khả năng lựa chọn khác khả thi hơn cho người dân và doanh nghiệp, nếu không chỉ tạo thêm gánh nặng, buộc lòng doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, tạo thêm áp lực cuộc sống đối với người dân.

Chẳng hạn như trong bối cảnh xăng dầu là nguồn năng lượng chủ yếu của kinh tế, chưa có nguồn năng lượng khác khả thi hơn cho người dân và doanh nghiệp lựa chọn, việc tăng thuế môi trường xăng dầu sẽ không có tác dụng điều chỉnh hành vi có lợi cho nền kinh tế, mà sẽ tạo thêm áp lực chi phí buộc doanh nghiêp phải thu hẹp sản xuất, tăng chi phí cuộc sống của người dân.

Vấn đề đe doạ lớn nhất đối với nguồn thu ngân sách hiện nay là chưa có công cụ hiệu quả để hạn chế đầu cơ, dòng vốn đang có khuynh hướng chảy vào các hoạt động đầu cơ nhiều hơn sản xuất kinh doanh thực. Do vậy, chính sách thuế cần được thiết lập theo hướng đánh thuế cao vào các hoạt động đầu cơ để khuyến kích đầu tư sản xuất kinh doanh thực. Cách làm này vừa gia tăng được nguồn thu từ thuế đánh vào đầu cơ, tăng được nguồn thu từ phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh thực.

Mặt khác, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều phương thức kinh doanh mới bắt đầu xuất hiện như bán hàng online, mua bán thông tin, kinh doanh theo phương thức chia sẻ tài nguyên người dùng,… đang phát triển sôi động. Trong khi đó, phương thức thu thuế chậm được cải tiến nên khó thực hiện thu thuế đối với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh theo phương thức mới. Đồng thời kỷ cương thu thuế chưa nghiêm, bộ máy thu thuế kém hiệu quả là nguyên nhân dẫn đến thất thu thuế lớn, tạo ra bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thuế là một cụ quan trọng để điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế, mọi thay đổi chính trong chính sách thuế cần có tầm nhìn về tác động của chúng trong dài hạn. Thuế suất thấp chưa hẳn nguồn thu ngân sách sẽ thấp, thuế suất cao chưa hẳn nguồn thu ngân sách sẽ cao. Mối quan hệ giữa thuế suất và nguồn thu ngân sách còn phụ thuộc vào tính hiệu quả của môi trường kinh doanh và hiệu quả bộ máy, phương thức thu thuế.

Điều quan trọng là kết hợp giữa cải thiện môi trường kinh doanh với chính sách thuế nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạn dạn đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh doanh mới là kế sách lâu dài để tăng nguồn thu cho ngân sách và phát triển kinh tế bền vững. Không nên vì sự thiếu hụt trước mắt mà quên kế sách lâu dài.

LIÊN KẾT
FANPAGE