Tài chính Mỹ bất ổn, Trung Quốc tìm lối đi riêng

Date: - View: 11 - By:

Sau 100 ngày đầu trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump, nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ đang chứng kiến những biến động dữ dội. Từ cổ phiếu, đồng đô la Mỹ đến trái phiếu kho bạc, mọi kênh tài sản đều bị tác động mạnh. Đáng chú ý, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 30 năm đã ghi nhận mức tăng trong một tuần cao nhất trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì vai trò "nơi trú ẩn an toàn" truyền thống của trái phiếu Mỹ.

Nguyên nhân sâu xa đến từ tình trạng nợ công gia tăng không kiểm soát. Tính đến nay, tổng nợ quốc gia Mỹ đã vượt mốc 36,8 nghìn tỷ USD. Chi phí lãi vay cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD trong năm tài chính 2024, thậm chí cao hơn cả chi tiêu quốc phòng, trở thành khoản chi tiêu lớn thứ ba của chính phủ. Chính phủ liên tục phát hành trái phiếu mới để trả nợ cũ, trong khi tỷ lệ nợ công đã vượt 123% GDP và thâm hụt ngân sách lên tới 6,36%, đều cao hơn ngưỡng cảnh báo quốc tế.

Tình hình càng trở nên nghiêm trọng trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chính sách thuế quan cao của chính quyền Trump đã đẩy lạm phát lên mức cao. Để kiểm soát lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất ở mức cao, khiến chi phí vay tăng vọt và gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ của chính phủ. Khi chi phí tài chính leo thang, Mỹ đứng trước nguy cơ bước vào vòng xoáy nợ công, ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của thị trường vào đồng đô la Mỹ và tài sản tài chính Mỹ nói chung.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Mỹ được dự báo giảm còn 1,8% trong năm 2025, mức điều chỉnh giảm mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Khảo sát mới nhất của Bloomberg cho thấy xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới đã tăng lên 45%, so với mức 30% hồi tháng 3.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã đưa ra ba hướng đi để ứng phó với những bất ổn từ hệ thống tài chính Mỹ:

Thứ nhất, tăng cường khả năng tự bảo vệ thông qua đa dạng hóa danh mục dự trữ ngoại hối và điều hành tỷ giá một cách linh hoạt. Biến động trên thị trường trái phiếu Mỹ sẽ có tác động hạn chế đối với kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc coi đây là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Khi độ tin cậy của tài sản Mỹ bị nghi ngờ, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước có xu hướng sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế. Điều này phản ánh nhu cầu tăng mạnh đối với các giải pháp tài chính ít phụ thuộc vào đồng đô la. Sự suy yếu đồng thời của cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ Mỹ là sẽ thuận lợi cho quá trình quốc tế hóa Nhân dân tệ.

Thứ ba, Trung Quốc đang tăng tốc phát triển kinh tế chất lượng cao, lấy thị trường trong nước làm động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng. Song song đó, Trung Quốc đầu tư mạnh vào công nghệ lõi và đổi mới sáng tạo, nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh hợp tác với các đối tác toàn cầu ngoài Mỹ, xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng mở, an toàn, bền vững và cùng có lợi.

Các bước đi của Trung Quốc có thể giúp giảm thiểu rủi ro, mở ra những cơ hội chiến lược mới cho vai trò của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trên trường quốc tế

LIÊN KẾT
FANPAGE