Mạn đàm về thuế tài sản

Date: - View: 1408 - By:
TS HUỲNH THANH ĐIỀN - 19/4/2018
thegioitiepthi.vn Thuế tài sản nên sử dụng nhằm hạn chế đầu cơ hơn là đặt mục tiêu gia tăng nguồn thu cho ngân sách, bởi vì bản chất của thuế tài sản là đánh trùng lên đối tượng chịu thuế.
 

Những ngày qua có nhiều luồng ý kiến tranh cãi thú vị quanh đề xuất đánh thuế tài sản trên nhà có giá 700 triệu đồng trở lên, trên xe ô tô trị giá 1,5 tỷ đồng trở lên.

Theo tôi, bất bình đẳng thu nhập luôn tồn tại trong mọi xã hội (số ít người nắm giữ phần lớn tài sản trong xã hội). Thuế là công cụ quan trọng để phân phối lại thu nhập, góp phần cải thiện sự bình đẳng thu nhập, điều tiết các hoạt động trong nền kinh tế. Mọi chính sách thuế đều hướng nhắm vào người có thu nhập cao, tiêu xài nhiều, đầu cơ tài sản lớn, doanh nghiệp lợi nhuận cao sẽ phải nộp thuế càng cao. Tiền thuế thu được sử dụng cho quản lý xã hội và đầu tư hạ tầng, dịch vụ công để phục vụ cho cộng đồng như là cách thức gián tiếp phân phối lại thu nhập, cải thiện bình đẳng trong xã hội.

Ngoài ra, thuế còn được sử dụng như công cụ để điều tiết, định hướng các hoạt động trong nền kinh tế. Đầu cơ (mua tài sản chờ tăng giá để bán) là hành vi gây nguy hại đối với mọi nền kinh tế mà chính phủ cần sử dụng công cụ thuế để hạn chế. Theo đó, đánh thuế vào các tài sản đầu cơ là giải pháp hiệu quả nhất. Ở Việt Nam, đầu cơ bất động sản gây nguy hại không nhỏ đến nền kinh tế nói chung, và cơ hội nhà ở cho nhiều người dân nói riêng, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp căn cơ để ngăn chặn. Nếu đánh thuế tài sản lên nhà sẽ góp phần tích cực hạn chế việc đầu cơ bất động sản, tạo cơ hội có được nhà cho nhiều người dân hơn. Bởi nắm giữ bất động sản càng nhiều, càng lâu thì càng nộp thuế nhiều nên sẽ hạn chế những ai đầu cơ nắm giữ bất động sản.

Người chịu thuế tài sản thực chất là chịu một suất thuế đánh trùng ít nhất đến 3 lần. Khi một người có thu nhập cao, phải chịu thuế thu nhập cá nhân (chịu thuế lần thứ 1); khi dùng thu nhập mua tài sản thì chịu thuế lần 2 là thuế giá trị gia tăng; khi giữ tài sản phải chịu thuế tài sản là chịu thuế lần thứ 3. Do vậy, việc đánh thuế tài sản chỉ nên nhắm vào ngăn chặn hành vi đầu cơ tài sản, chứ không nên đặt mục tiêu gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Theo đó, việc xác định đối tượng chịu thuế, suất thuế, ngưỡng chịu thuế phải nhắm vào đối tượng có hành vi đầu cơ, chứ không phải nhằm vào tất cả những ai đang nắm giữ tài sản đó mà không có hành vi đầu cơ.

Biết rằng việc phân định đối tượng có hành vi đầu cơ, đối tượng không có hành vi đầu cơ là rất khó khăn. Nhưng nếu như chưa có biện pháp phân định rạch ròi hai đối tượng đó thì không nên áp thuế tài sản. Bởi bản chất của thuế tài sản là loại thuế đánh trùng 3 lần thu nhập của đối tượng chịu thuế, nếu đánh thuế nhà ở vào căn nhà của những người có thu nhập không cao, nhà chỉ để ở chứ không có mục đích đầu cơ thì sẽ tạo áp lực lên cuộc sống của người dân.

Một chính sách thuế được ban hành thường với hai nội dung cơ bản nhất là: suất thuế và đối tượng chịu thuế. Xác định đối tượng chịu thuế cần tuân thủ theo nguyên tắc người có thu nhập cao, tiêu xài nhiều, doanh nghiệp lợi nhuận nhiều, có hành vi đầu cơ sẽ phải trả thuế nhiều hơn. Mức thuế suất được xác định cần tính toán đến khả năng tự nguyện nộp của đối tượng chịu thuế hoặc vì thuế mà điều chỉnh hành vi của mình có lợi cho xã hội.

Khi tăng thuế, mở rộng đối tượng chịu thuế mà không đi kèm với thắt chặt kỷ cương thu thuế thì chưa chắc gia tăng được nguồn thu, mà chỉ tạo thêm gánh nặng chi phí không chính thức cho người dân. Nếu thuế suất quá cao mà nền kinh tế không mở ra những lựa chọn khác cho đối tượng chịu thuế, sẽ thúc đẩy người ta trốn thuế, né thuế nhiều hơn. Có rất nhiều cách lách, né thuế đang diễn ra trong nền kinh tế, mà vẫn vượt qua các đợt thanh, kiểm tra về thuế. Điều này đặt ra nghi vấn về đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ ngành thuế đang đồng hành cùng đối tượng chịu thuế thực hiện hành vi lách, né, thậm chí là trốn thuế. Khi đó, đối tượng chịu thuế phải chi thêm chi phí không chính thức.

Nếu trong nền kinh tế có nhiều sự lựa chọn, mức thuế cao sẽ thúc đẩy người ta thay đổi sự lựa chọn để tránh thuế. Nên dùng thuế như một công cụ điều tiết hành vi tích cực theo nguyên tắc đánh thuế cao vào đối tượng có hành vi gây tác động tiêu cực, thuế thấp hoặc miễn cho đối tượng có hành vi tích cực. Nếu không sẽ tạo ra tác dụng ngược, chẳng hạn như vì muốn thoát khỏi đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, né thuế giá trị gia tăng (VAT) mà nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển lên doanh nghiệp. Do vậy, khu vực không chính thức luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nên dẫn đến thất thu thuế là rất lớn. Đây là biểu hiện của công cụ thuế kém hiệu quả, gây phản ứng ngược.

http://thegioitiepthi.vn/p/man-dam-ve-thue-tai-san-3380.html
LIÊN KẾT
FANPAGE