Kích thích doanh nghiệp chuyển đổi số

Date: - View: 829 - By:
TS HUỲNH THANH ĐIỀN - SGGP 

 

Trong nền kinh tế, doanh nghiệp (DN), người lao động và Chính phủ đều cùng đối mặt với các rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Khi đồng loạt các DN không làm ăn được thì người lao động cũng mất việc làm, Chính phủ cũng thất thu nhưng lại gặp phải áp lực chi ngân sách nhiều hơn. 

 

Lúc này, trong khả năng của mình, DN nên chủ động tìm cách cứu mình nhằm giúp Chính phủ giảm áp lực. Bởi lẽ, mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến hầu hết các ngành kinh tế, nhưng vẫn còn một số ngành kinh doanh khá tốt. Mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng, thực phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế… là các ngành có thể phát triển tốt.

Dịch bệnh là tác nhân hạn chế đi lại chứ không phải là hạn chế giao thương kinh tế. Nếu DN thực hiện các giao dịch mà không cần nhân sự đi lại, người mua vẫn thực hiện mua hàng mà không cần đến các khu mua sắm tập trung, thì giao thương kinh tế vẫn tiếp diễn. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh, người dân hạn chế mua sắm tập trung nên nhu cầu mua hàng trực tuyến đang gia tăng. DN muốn bán được hàng cần phải nghiên cứu và vận dụng phương thức bán hàng này. Dịch bệnh chính là tác nhân thúc đẩy DN áp dụng phương thức bán hàng mới và chắc chắn sau khi kết thúc dịch bệnh kênh bán hàng này sẽ còn tiếp tục phổ biến.
 
Tương tự, để mua sắm nguyên liệu phục vụ sản xuất, DN cũng không cần tiếp xúc với nhà cung cấp để mua hàng. Thay vào đó, DN mua và DN bán sẽ gặp nhau trên không gian mạng để thỏa thuận giao dịch. Để bán hàng, DN phải xây dựng website và các công cụ xúc tiến bán hàng trực tuyến để tiếp cận khách hàng. DN mua cũng phát đi nhu cầu mua sắm trên không gian mạng để DN  bán tiếp cận.

Do đó, các DN sản xuất công nghiệp vẫn có thể tiếp tục làm ăn tốt nếu chuyển đổi số nhanh chóng. Nếu DN tự động hóa các khâu sản xuất và kết nối được các thông số chất lượng với DN đặt hàng, DN đặt hàng dễ dàng theo dõi các thông số chất lượng của đơn hàng sản xuất từ xa, mà không cần đội ngũ kiểm soát trực tiếp tại dây chuyền của DN sản xuất. 
Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, buộc lòng DN phải nghĩ đến các biện pháp tiếp tục thực hiện các giao dịch kinh tế mà không cần di chuyển lao động nhiều. Khi đó, giải pháp chuyển đổi số là lựa chọn duy nhất và chắc chắn sẽ là xu hướng tương lai sau khi dịch bệnh kết thúc. Những DN không kịp thời chuyển đổi số sẽ khó lòng tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra, cũng như sau khi dịch bệnh kết thúc.

Chính vì vậy, trong lúc này, Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy DN chuyển đổi số để tiếp tục thực hiện các giao dịch mà không cần nhân sự di chuyển nhiều. Chính phủ nên tiếp tục đầu tư cho các dự án cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho DN, xem đây là một cách để hỗ trợ DN. Thúc đẩy DN thực hiện chuyển đổi số mà trước mắt là thực hiện các giao dịch trực tuyến về thủ tục hành chính để tạo thói quen. Đồng thời, tung ra các gói kích thích DN chuyển đổi số trong thực hiện các giao dịch kinh doanh. 

Tất nhiên, không phải DN nào cũng có thể tận dụng được chính sách từ gói kích thích DN chuyển đổi số. Chỉ có những doanh nhân có quyết tâm, có tầm nhìn và kinh doanh có triết lý mới có thể tận dụng cơ hội để thay đổi và tiếp tục phát triển. Thế nhưng, cũng phải khẳng định ngay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nếu DN không kịp thời nắm lấy thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai khi mà nhiều giao dịch sẽ được thực hiện qua không gian mạng.

 
LIÊN KẾT
FANPAGE