Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong mấy tháng qua đã và đang gây ra nhiều tác động đến sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn, việc thúc đẩy thị trường nội địa, hoạt động kinh tế hướng đến thị trường nội địa là yếu tố quyết định sự ổn định kinh tế, dân sinh. Khu vực này cần được trợ vốn để đảm bảo dòng sản xuất - thu thập - tiêu dùng được tuần hoàn liên tục.
Thế giới bất ổn
Trục kinh tế toàn cầu hiện nay xoay quanh các vấn đề lạm phát ở các nước lớn như liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, suy giảm kinh tế của Trung Quốc và những hệ lụy từ xung đột Nga - Ukraine. Mỗi vấn đề có những nguyên nhân khác nhau nên chính sách điều tiết cũng sẽ khác nhau.
Lạm phát ở Mỹ và các nước ở châu Âu xuất phát từ những sai lầm trong chính sách khôi phục kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ giữa năm 2020. Vì nóng vội khôi phục kinh tế, các gói kích thích kinh tế với quy mô lớn được tung ra. Lượng tiền lớn được bơm vào nền kinh tế, nhưng sản xuất không theo kịp do gián đoạn chuỗi cung ứng bởi các đợt bùng phát dịch liên tiếp sau đó. Lượng tiền bơm ra nhiều nhưng hàng hóa không tăng tương ứng, dẫn đến lạm phát. Giải pháp hữu hiệu nhất là thu tiền về thông qua lộ trình tăng lãi suất như Mỹ và EU đang làm là hợp lý.
Khác với Mỹ và EU, kinh tế Trung Quốc suy giảm do biện pháp kiểm soát dịch “zero covid” gây gián đoạn sản xuất, nên rất cần khơi thông lại hoạt động sản xuất và củng cố thị trường nội địa. Còn xung đột Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế của EU, Mỹ đối với Nga, sự trả đũa của Nga xoay quanh vấn đề thương mại, năng lượng, hàng không tạo nên các cuộc khủng hoảng năng lượng cục bộ và gián đoạn lưu thông. Trong bối cảnh đó, Nga và Trung Quốc vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng kích thích sản xuất và tiêu dùng nội địa.
Khi Mỹ, EU tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, tác động đến rủi ro thanh toán. Các nền kinh tế lớn tăng trưởng thấp, sức mua giảm nên ảnh hưởng đến xuất khẩu của các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu.
Hướng nội để tránh bão bên ngoài
Mặc dù chịu áp lực lạm phát từ bên ngoài, nhưng thực tế lạm phát ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát. Tăng trưởng tín dụng nhanh trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm cũng tăng tương ứng. Tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất kinh doanh nên không để lại hậu quả cho lạm phát. Hơn nữa, từ đầu năm 2022, các hoạt động đầu cơ chứng khoán, bất động sản giảm mạnh, các hành vi thao túng được xử lý nghiêm minh, góp phần ổn định kỷ cương thị trường.
Thế nhưng, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất, thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng theo xu hướng đó, thắt chặt hạn mức tín dụng chung cho cả nền kinh tế. Mặc dù gói hỗ trợ doanh nghiệp được Quốc hội thông qua, nhưng việc thực thi thì chưa như mong muốn. Doanh nghiệp sản xuất khó tiếp cận vốn vì các ngân hàng hết hạn mức cho vay. Việc thắt chặt tín dụng theo cách làm của các nước lớn đã vô tình kìm hãm các hoạt động kinh tế nội địa.
Chẳng hạn như hạn chế tín dụng đối với bất động sản bị đánh đồng với hoạt động xây dựng, làm ảnh hưởng đến các ngành sản xuất khác. Nhà máy sản xuất, khu công nghiệp, văn phòng làm việc nào cũng cần xây dựng… Việc xây dựng tạo việc làm cho ngành sắt, thép, xi măng, gỗ, gốm, sứ, cao su, điện... và rất nhiều ngành khác nhau trong nền kinh tế. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người trong các lĩnh vực phụ trợ như dịch vụ, thương mại, môi giới... Việc thắt chặt tín dụng đồng nghĩa với việc thắt chặt việc làm của người dân.
Gần đây, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn còn trong tầm kiểm soát. Động thái này gây ra tâm lý ngại đầu tư, tiêu dùng và mở rộng kinh doanh. Theo đó, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch trì hoãn đầu tư, thu hẹp sản xuất. Tiếp theo là nguy cơ giảm thu nhập, việc làm gây giảm sức mua khu vực nội địa.
Việc tăng lãi suất trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang kiểm soát lạm phát là nhằm ổn định tỷ giá. Tỷ giá bất ổn gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu sang khu vực Mỹ, EU (sử dụng đồng USD, EUR). Tuy nhiên, sức mua ở các thị trường này giảm mạnh nên doanh nghiệp cũng không thể bán hàng qua đó thuận lợi, cho dù tỷ giá ổn định. Tăng lãi suất nhằm ổn định tỷ giá, nhưng lại hạn chế sản xuất thì doanh nghiệp cũng không thể có hàng xuất khẩu. Hơn nữa, suy thoái kinh tế hiện nay xảy ra chủ yếu ở Mỹ và châu Âu, trên thế giới vẫn còn nhiều quốc gia tăng trưởng tốt và đó chính là thị trường tiềm năng mới. Nếu trợ vốn cho sản xuất nội địa tốt, doanh nghiệp có thể tìm đến các thị trường mới.
Bối cảnh kinh tế Việt Nam có nhiều khác biệt so với các quốc gia trên thế giới. Năm 2020, trong khi rất nhiều nước tăng trưởng âm do đại dịch Covid-19 thì Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Việt Nam không bơm tiền ào ạt để khôi phục kinh tế như Mỹ, EU và nhiều quốc gia khác. Đến năm 2021, khi các nước bắt đầu khôi phục kinh tế thì Việt Nam đối mặt với đợt bùng phát dịch mới; chính sách “zero covid” kéo dài hơn một quý dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Từ quý 4-2021, đại dịch Covid-19 tạm lắng, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục nhanh chóng. |