Khoản trống thu thuế và sự nhếch nhác ở các đô thị

Date: - View: 1425 - By:
 
TS HUỲNH THANH ĐIỀN
thegioitiepthi.vn Hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp, buôn bán không đăng ký (phi chính thức) trên các tuyến đường không những gây ra sự nhếch nhác ở các đô thị, mà còn tạo ra thất thu thuế và bất bình đẳng trong cạnh tranh.
 

Thực trạng buôn bán chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây ra cảnh nhếch nhác ở các đô thị lớn tồn tại từ nhiều năm qua. Rất nhiều lần chính quyền thực hiện các đợt "ra quân" giành lại vỉa hè, lập lại trật tự mỹ quan đô thị, nhưng hầu như đều thất bại. Rất nhiều lý do để giải thích cho sự bất lực đó chẳng hạn như sự yếu kém trong quy hoạch đô thị, văn hoá, truyền thống buôn bán nhỏ, thói quen của người tiêu dùng…Tuy nhiên, những lý do này chưa hoàn toàn thuyết phục, bởi những điều này không chỉ tồn tại riêng tại Việt Nam, nhiều nước tương tự. 

Khác biệt dễ nhận thấy nhất nằm ở chỗ cấp phép kinh doanh hộ tại mặt bằng chật hẹp. Kinh doanh trên các mặt bằng không đủ không gian bày bán, đậu xe thì buộc lòng họ phải bày bán, khách hàng để xe trên vỉa hè. Khi các hộ kinh doanh thu hút được càng nhiều khách hàng, thì sẽ thu hút thêm các cá nhân buôn bán không chính thức quy tụ xoay quanh những tuyến đường ở khu vực đó. Khi lòng đường được chọn làm nơi mưu sinh, dù chính quyền có tổ chức nhiều cuộc ra quân lập giành lại vỉa hè, cũng nhanh chống bị tái lấn chiếm. Sự nhếch nhác cũng sẽ tái diễn và ngày càng phức tạp hơn.

Cảnh hàng rong lấn chiếm lòng đường thường thấy tại TP.HCM 

Vấn nạn lấn chiếm vỉa hè thường đổi lỗi cho cơ quan quản lý trật tự đô thị. Theo chức năng của mình, khi phát hiện có lấn chiếm, cơ quan này sẽ tổ chức "chiến dịch ra quân" giành lại vỉa hè. Các hộ sẽ đối phó bằng cách thu dọn hàng hoá bày bán trên vỉa hè vào nhà, các cá nhân buôn bán không chính thức cũng linh hoạt thu dọn vào một nơi nào đó. Khi đoàn kiểm tra đi qua, họ lại tiếp tục bày ra bán lấn chiếm vỉa hè. Và cứ thế, cuộc giằng co giữa người bán và người kiểm tra cứ tiếp diễn. 

Nếu không cấp phép cho các hộ buôn bán ở những mặt bằng chật hẹp (không đủ không gian tổ chức buôn bán, để xe) thì sẽ không có tình trạng buôn bán lấn chiếm, không thu hút sự quy tụ các cá nhân buôn bán không chính thức. Do vậy, tình trạng nhếch nhác ở các đô thị do buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường có nguồn gốc nằm ở khâu quy hoạch và cấp phép là chính, kế đến mới là khâu quản lý trật tự đô thị.

Cơ chế quản lý nhà nước hiện hành rất khó quản lý tính tuân thủ pháp luật của hộ kinh doanh và không thể kiểm soát được hoạt động buôn bán phi chính thức. Thủ tục đăng ký hoạt động kinh doanh hộ khá đơn giản, ít phải chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như dễ bề thực hiện các hành vi né thuế hơn so với doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều thủ tục và chi phí tuân thủ pháp luật, cũng như chịu sự thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước. Chính sự bất bình đẳng này mà nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp, dù nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi. 

Ngày càng có nhiều hình thức kinh doanh qua mạng, chợ ảo…thu hút khách hàng và nhiều người tham gia với doanh thu và lợi nhuận không thua kém doanh nghiệp kinh doanh thông thường. Loại hình kinh doanh này chẳng những vượt trôi hơn so với loại hình kinh doanh truyền thống về chi phí và hiệu quả mà còn có ưu thế trong việc tuân thủ pháp luật. 

Hiện nay, hình thức kinh doanh hộ và phi chính thức dựa trên nền tảng công nghệ đang tạo ra khoản trống không gian thu thuế rất lớn. Nếu nhà nước chỉ xoay quanh quản lý đối với phương thức kinh doanh truyền thống thì thất thu thuế sẽ ngày càng nhiều. Nếu tiếp tục để hộ kinh doanh có những ưu thế hơn về tuân thủ pháp luật và thực hiện nghĩa vụ thuế, thì sẽ rất khó khuyến khích hộ chuyển lên doanh nghiệp. Khi nào còn cấp phép kinh doanh trên mặt bằng chật hẹp thì sẽ khó giải quyết dứt điểm tình trạng nhếch nhác ở các đô thị lớn. 

Muốn lấp đầy khoản trống không gian thu thuế, loại bỏ sự buôn bán nhếch nhác ở các đô thị,  phải tạo ra cơ chế thúc đẩy chuyển đổi từ khu vực phi chính thức về chính thức để quản lý sự tuân thủ pháp luật bình đẳng.

http://thegioitiepthi.vn/p/khoan-trong-thu-thue-va-su-nhech-nhac-o-cac-do-thi-5694.html
 
 
LIÊN KẾT
FANPAGE