Hiệu ứng ngược trên thị trường chứng khoán

Date: - View: 2450 - By:

TS Huỳnh Thanh Điền

Theo quan điểm truyền thống nhà đầu tư có xu hướng nắm giữ cổ phiếu đang lãi để đạt được lãi vốn cao hơn, ngược lại sẽ bán những cổ phiếu đang lỗ để ngăn chặn lỗ nặng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thường xảy ra hiệu ứng ngược (Disposition Effect), các nhà đầu tư thường bán sớm các cổ phiếu có tăng giá, tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đang giảm giá.

Nhiều nghiên cứu hành vi đặt lệnh mua, bán của 500 tài khoản của một công ty môi giới chứng khoán ở Việt Nam từ 2010 đến 2017 cho thấy các nhà đầu tư thường bán sớm các cổ phiếu đang tăng giá, nhưng lại tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đang giảm giá. Hiện tượng này gọi là hiệu ứng ngược (Disposition Effect) trong hành vi mua bán chứng khoán

Sở dĩ tồn tại “hiệu ứng ngược” trong hành vi mua bán chứng khoán là vì nhà đầu tư thường có tâm lý e ngại rủi ro khi đang ở trong trạng thái chứng khoán đang sinh lời, đồng thời nuôi hy vọng sinh lời khi chứng khoán đang gặp rủi ro lỗ. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng thường có tâm lý tiếc nuối mong muốn “lấy lại những gì đã mất” nên cố nắm giữ cổ phiểu đang giảm giá với hy vọng một ngày nào đó chúng sẽ tăng trở lại.

Hiệu ứng ngược là một hiện tượng tâm lý của nhà đầu tư, mức độ xảy hiệu ứng này có sự khác nhau giữa các nhóm nhà đầu tư khác nhau. Hiệu ứng ngược sẽ ít hơn đối với các nhà đầu tư là các tổ chức tài chính, nhiều hơn đối với các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp không chuyên về kinh doanh tài chính. Các nhà đầu tư có thu nhập cao, trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm giao dịch hơn sẽ ít xảy ra hiệu ứng ngược hơn.

Ngoài ra, mức độ xảy ra hiệu ứng ngược cũng khác nhau giữa các thời gian thực hiện giao dịch khác nhau. Các nhà đầu tư đang nắm giữ các cổ phiếu trong trạng thái lỗ thường có xu hướng sẽ giữ cổ phiếu ấy ở phiên giao dịch buổi chiều hơn những nhà đầu tư đang giữ cổ phiếu đang sinh lời.

Hiệu ứng ngược có tác động đến khối lượng giao dịch, định giá tài sản và chi phí phí xã hội trên thị trường tài chính. Thực tế cho thấy những cổ phiếu được giao dịch ở mức giá cao hơn giá chào bán thì khối lượng giao dịch gia tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch đặc biệt tăng mạnh khi lần đầu tiên giá cổ phiếu vượt quá mức chào bán. Tương tự, hiệu ứng ngược làm chậm sự tác động của thông tin mới xuất hiện đến thay đổi giá cổ phiếu. Thông thường cổ phiếu tăng giá khi xuất hiện thông tin tích cực, giảm giá khi xuât hiện thông tin tiêu cực, hiệu ứng ngược làm chậm tiến trình tác động này.

Cổ phiếu có hiệu ứng ngược càng mạnh thì càng khó định giá. Hiệu ứng ngược đặt biệt mạnh hơn đối với các cổ phiếu có mức độ biến động giá thấp hơn, tỷ suất sinh lời thấp hơn, khối lượng giao dịch nhỏ hơn, mức chênh lệch giữa giá hỏi mua và chào bán cao hơn. Bên cạnh đó, hiệu ứng ngược làm gia tăng chi phí quản lý, giảm tỷ suất lợi nhuận của các nhà đầu tư.

Hiệu ứng ngược là hiện tượng tâm lý phổ biến của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, thường xảy ra đối với các nhà đầu tư tài chính không chuyên nghiệp, những cổ phiếu có biên độ biến động giá thấp thường và tỷ suất sinh lời thấp. Hiệu ứng ngược tác động làm giảm hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, làm trì trệ tác động của các chính sách phát triển công ty lên giá cổ phiếu của mình (thông tin mới xuất hiện chậm tác động đến giá cổ phiếu), gia tăng chi phí cho nhà đầu tư, giảm tỷ suất lợi nhuận.

Các nhà đầu tư tài chính nên nắm bắt quy luật hiệu ứng ngược để có những quyết định đầu tư đúng đắng hơn. Các nhà hoạch định chính sách cần nắm quy luật này để dự đoán hành vi đầu tư trước khi cân nhắc ban hành chính sách can thiệp vào thị trường chứng khoán.

LIÊN KẾT
FANPAGE