Điều kiện kinh doanh vẫn chưa thoáng

Date: - View: 1310 - By:

Điều kiện kinh doanh vẫn chưa thoáng

TS. HUỲNH THANH ĐIỀN  17/3/2018

 Quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh của doanh nghiệp (DN) vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là điều kiện kinh doanh. 

 

Điều kiện kinh doanh vẫn chưa thoáng

Do đó cần phải tiếp tục được tháo gỡ để thúc đẩy DN mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực sửa đổi các quy định quản lý DN theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, thắt chặt việc tuân thủ pháp luật và đảm bảo cạnh tranh công bằng. Tuy nhiên, để DN hoạt động thì ngoài đáp ứng các điều kiện kinh doanh còn cần đến rất nhiều điều kiện khác liên quan đến xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường..., và các điều kiện này vẫn chưa được cải thiện, khiến DN gặp không ít khó khăn.

Theo phản ánh của cộng đồng DN, để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, DN phải trải qua rất nhiều thủ tục, và trước khi xin được giấy phép xây dựng phải qua hội đồng thẩm định mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc thiết kế phương án phòng cháy chữa cháy là quy định bắt buộc, thường các cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy “độc quyền” thực hiện việc này nhưng chất lượng thường không đảm bảo, chi phí cao.

DN phải thường xuyên đối mặt với nhiều cuộc thanh, kiểm tra của nhiều cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, từ môi trường, đô thị, công an đến các cơ quan quản lý các tiêu chuẩn của ngành thuộc lĩnh vực hoạt động của DN. Và nếu việc thanh, kiểm tra không minh bạch sẽ làm phát sinh sự nhũng nhiễu từ cán bộ quản lý nhà nước, khiến DN phải “luồn lách” và hệ quả là ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng.

Cơ chế quản lý nghĩa vụ thuế trong những năm qua có nhiều cải cách theo hướng DN tự kê khai, tự nộp thuế, Nhà nước thực hiện chức năng hậu kiểm. Cách này góp phần làm tăng tính chủ động, giảm bớt nhiều thủ tục hành chính cho DN.

Tuy nhiên, cơ chế hậu kiểm trong thời gian qua đã truy thu thuế từ DN khá lớn, thậm chí nhiều DN còn bị phá sản do bị truy thu thuế. Truy thu thuế không hẳn do DN cố tình trốn thuế mà có thể do quan điểm kê khai quyết toán thuế khác nhau giữa DN với cơ quan thuế, thời điểm DN quyết toán khác với thời điểm Nhà nước hậu kiểm. Do vậy, cần xem xét lại thời gian hậu kiểm để DN kịp thời phát hiện sai sót và khắc phục để khỏi bị phá sản do bị truy thu thuế sau nhiều năm quyết toán.

Đảm bảo tính bình đẳng và công bằng trong cạnh tranh là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, sự ưu đãi, thanh, kiểm tra thiếu công bằng giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn còn rất phổ biến. DN FDI đầu tư các dự án lớn được ưu đãi khá nhiều về mặt bằng, thời gian và điều kiện nộp thuế, cũng như tránh được nhiều đợt thanh, kiểm tra, trong khi DN trong nước ít được ưu đãi hơn và phải chịu nhiều đợt thanh, kiểm tra hơn. Đây là vấn đề DN trong nước phản ảnh nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Cuối cùng là việc hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế. Những vi phạm về nghĩa vụ trong làm ăn lẽ ra giải quyết theo hình thức tranh chấp dân sự nhưng lại chuyển hóa thành tội phạm và giải quyết theo pháp luật hình sự. Nhất là các trường hợp quan hệ vay, cho vay, thuê mua tài chính.

Việc hình sự hóa còn phổ biến trong trường hợp quan hệ làm ăn giữa các DN chung vốn, có vay một phần vốn ngân hàng. Kinh doanh bình thường thì không sao, nhưng khi gặp sự cố và không trả lãi được thì đâm ra nghi kỵ, kiện cáo chiếm dụng vốn, lừa đảo nên chuyển thành án hình sự.

Việc hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế khiến những người liên quan bị thiệt hại cả về vật chất, tinh thần lẫn sự nghiệp, gây mất niềm tin khi bỏ vốn kinh doanh.

LIÊN KẾT
FANPAGE