Đánh giá đầy đủ tác động của việc chuyển đổi đất nông nghiệp

Date: - View: 1349 - By:

Trích ý kiến của TS HUỲNH THANH ĐIỀN trong bài viết "Gắn chuyển đổi đất nông nghiệp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đô thị " - SGGP 

(Hình: Tham dự cùng doanh nhân của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (Huba) thảo luận về chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp TPHCM ngày 14/7/2018)

Giá đất của TPHCM hiện nay khá cao nên làm nông nghiệp sẽ không hiệu quả, kém cạnh tranh hơn so với các tỉnh, thành. Trong khi đó, mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp dần trở nên khan hiếm, chi phí sản xuất công nghiệp hiện tại cao hơn nhiều so với các địa phương lân cận, buộc lòng doanh nghiệp phải di chuyển nhà máy sản xuất sang các địa phương khác. Hơn nữa, một số khu công nghiệp nội thành như Tân Bình, Tân Thuận... đang từng bước đô thị hóa nên về lâu dài cần tính đến mặt bằng sản xuất thay thế. 

Trước tình trạng đó, việc chuyển đổi diện tích đất làm nông nghiệp không hiệu quả sang làm công nghiệp hiệu quả hơn là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho TP. 

Tuy nhiên, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần cân nhắc kỹ lưỡng đến những tác động tiêu cực để có giải pháp xử lý thấu đáo. Đó là các vấn đề về việc làm, đời sống và nhà ở của người dân, môi trường sinh thái, kết nối hạ tầng và các vấn đề xung đột xã hội. Do vậy, việc chuyển đổi cần đặt trong quy hoạch tổng thể của TP có tính sự tác động qua lại giữa việc chuyển đổi với các khu quy hoạch hiện tại và tương lai trong xử lý môi trường, chống ngập, xử lý rác thải, kết nối giao thông, liên kết ngành, liên kết vùng…

Bên cạnh đó, cần đánh giá đầy đủ tác động của việc chuyển đổi dựa trên nguyên tác so sánh lợi ích mang lại với mất mát, chi phí của việc chuyển đổi trước mắt và lâu dài. Lợi ích trước mắt là đất đai sử dụng hiệu quả hơn, góp phần thu hút doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu trong ngắn hạn và dài hạn. Chi phí chuyển đổi là chi phí đền bù, đầu tư hạ tầng, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, chống ngập, xử lý rác… Việc chuyển đổi phải đảm bảo lợi ích lớn hơn chi phí trong dài hạn xét về khía cạnh kinh tế lẫn xã hội.

Vấn đề tái định cư, việc làm cho người dân vùng chuyển đổi là quan trọng nhất, cần được ưu tiên giải quyết thấu đáo, phải đảm bảo có chỗ tái định cư trước rồi mới thực hiện giải tỏa sau. Việc thu hồi mặt bằng cần được thực hiện đồng loạt để tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá đất, tránh tình trạng người được bồi thường trước với giá thấp sẽ so sánh với người được bồi thường sau với giá cao, dễ dẫn đến khiếu kiện, gây bất ổn xã hội. Cần minh bạch, công khai và bình đẳng mọi quyết định liên quan đến giá đền bù, lựa chọn chỗ tái định cư, hỗ trợ việc làm để giảm thiểu xung đột xã hội ở mức thấp nhất có thể.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi, bồi thường và đầu tư hạ tầng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về mất cân bằng sinh thái, tấn công của giới đầu cơ và xung đột xã hội,… nên cần đánh giá kỹ lưỡng, quy hoạch phải có tầm nhìn và minh bạch tất cả các khâu trong quá trình thực hiện chuyển đổi. Cũng như cần có chiến lược thực hiện chuyển đổi đảm bảo hiệu quả lâu dài và giảm thiểu thấp nhất xung đột xã hội. 

http://www.sggp.org.vn/gan-chuyen-doi-dat-nong-nghiep-voi-quy-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-do-thi-532919.html

LIÊN KẾT
FANPAGE