TS HUỲNH THANH ĐIỀN
Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ dưới Tổng thống Donald Trump, không chỉ làm thay đổi cục diện thương mại toàn cầu mà còn tác động gián tiếp đến chính trị nội địa của nhiều quốc gia. Trong năm 2025, các cuộc bầu cử tại Úc, Canada và Singapore đã phần nào phản ánh tác động lan tỏa của những chính sách này, cho thấy sự đan xen giữa thương mại quốc tế và hành vi bầu cử.
Tại Úc, cuộc bầu cử liên bang năm 2025 đã chứng kiến một chiến thắng áp đảo dành cho Đảng Lao động của Thủ tướng Anthony Albanese, khi đảng này không chỉ giữ vững quyền lực mà còn mở rộng thế đa số trong Hạ viện. Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton thất bại nặng nề, thậm chí mất luôn ghế đại biểu của mình, điều chưa từng có tiền lệ. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của phe đối lập là việc họ áp dụng chiến lược tranh cử mang hơi hướng "Trumpism", với lập trường cứng rắn về nhập cư, cắt giảm phúc lợi và theo đuổi chủ nghĩa dân túy. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu cần sự ổn định hậu COVID-19, nhiều cử tri Úc lo ngại rằng những chính sách bảo hộ và biệt lập tương tự Mỹ sẽ khiến kinh tế trong nước thêm rủi ro. Do đó, việc từ chối phong cách chính trị kiểu Trump phần nào phản ánh mong muốn của cử tri về một nước Úc hội nhập, ổn định và khôn ngoan trong quan hệ quốc tế.
Tại Canada, bối cảnh chính trị cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt từ chính sách thuế quan của Mỹ. Năm 2025, Đảng Tự do giành chiến thắng và tiếp tục thành lập chính phủ thiểu số dưới sự lãnh đạo của Mark Carney. Đây là kết quả đáng chú ý khi cả hai lãnh đạo đối lập: Pierre Poilievre của Đảng Bảo thủ và Jagmeet Singh của Đảng Dân chủ Mới đều không giữ được ghế. Một phần thành công của Đảng Tự do đến từ phản ứng của cử tri trước thái độ thiếu tôn trọng từ phía Mỹ trong các năm trước đó, đặc biệt là những tuyên bố gây tranh cãi từ phía Donald Trump như việc ám chỉ Canada có thể trở thành "bang thứ 51". Các chính sách thuế đối với nhôm và thép, cùng áp lực trong đàm phán thương mại, khiến người dân Canada ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của chủ quyền kinh tế và sự độc lập trong chính sách đối ngoại. Trong hoàn cảnh đó, Đảng Tự do với lập trường trung dung, ôn hòa và ủng hộ hợp tác đa phương đã trở thành lựa chọn của những cử tri mong muốn giữ vững vị thế quốc gia trước các biến động từ phía Mỹ.
Trong khi đó, Singapore là một quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào thương mại toàn cầu đã lựa chọn tiếp tục ổn định chính trị. Cuộc tổng tuyển cử năm 2025 ghi nhận chiến thắng áp đảo của Đảng Hành động Nhân dân (PAP) với 87 trong tổng số 97 ghế quốc hội. Dưới sự lãnh đạo mới của Thủ tướng Lawrence Wong, PAP tiếp tục nhận được sự tin tưởng rộng rãi từ cử tri nhờ khả năng điều hành hiệu quả và bảo vệ được nền kinh tế trước những bất ổn bên ngoài. Mặc dù Singapore chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các chính sách thuế quan và căng thẳng thương mại do Mỹ khơi mào, chính phủ nước này đã chủ động điều chỉnh chiến lược, đa dạng hóa thị trường và duy trì vai trò trung tâm tài chính, logistics khu vực. Kết quả bầu cử phản ánh sự đồng thuận cao của xã hội đối với mô hình quản trị dựa trên thực tế, ổn định và linh hoạt trong thời đại đầy biến động.
Tóm lại, chính sách thuế quan của Mỹ gần đây đã và đang tác động mạnh mẽ đến các quốc gia đồng minh, không chỉ về kinh tế mà còn ở cấp độ chính trị. Dù không trực tiếp định đoạt kết quả bầu cử, những chính sách này góp phần hình thành tâm lý cử tri, chi phối nội dung các chiến dịch tranh cử và làm nổi bật năng lực ứng phó của các chính phủ. Từ Úc đến Canada, và cả Singapore, cử tri đã đưa ra quyết định không chỉ dựa trên vấn đề trong nước, mà còn thông qua lăng kính toàn cầu, nơi Hoa Kỳ với vai trò là siêu cường, vẫn luôn là một yếu tố trung tâm của những tính toán chính trị.